Fica
  1. Doanh Nhân

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: "Tỷ phú thịt lợn" Nguyễn Đăng Quang và câu chuyện làm nông nghiệp của một đại gia Đông Âu

Masan là một trong những tập đoàn tiên phong đầu tư vào chuỗi nông nghiệp 3F (Feed-Farm-Food). “Người khổng lồ” bán lẻ đặt mục tiêu mang đến sản phẩm thịt có thương hiệu thịt đảm bảo cho người dân với giá cả phải chăng, chất lượng cao và an toàn. Tuy nhiên, điều này được cho là không hề dễ dàng đối với ngành chăn nuôi vốn còn nhiều thách thức.

Câu chuyện bầu Đức bán thịt lợn ăn chuối mới đây gây ra nhiều quan điểm trái chiều. Người ủng hộ. Người phản đối. Nhưng kỳ thực, không chỉ ông Đoàn Nguyên Đức, nhiều tỷ phú Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Đăng Quang… cũng đang lấn vào nông nghiệp. Nhưng có phải ai cũng thành công?

Chùm bài “Tỷ phú Việt làm nông nghiệp” của Fica.vn sẽ khái quát lại câu chuyện làm nông nghiệp của các đại gia Việt, với hành trình có thăng trầm, có thành quả và còn đầy rẫy thách thức phía trước…  

Bài 1: "Tỷ phú" thịt lợn Nguyễn Đăng Quang và câu chuyện đại gia Đông Âu làm nông nghiệp 

Cú đặt chân vào ngành thịt của tỷ phú

Trong báo cáo thường niên năm 2016 của Masan MEATLife, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Thành viên trong hội đồng quản trị Masan, đã gửi lời đến cổ đông như sau: “Sứ mệnh, đam mê và lời hứa của chúng tôi là cung cấp cho hộ gia đình việt Nam những sản phẩm thịt an toàn, giá cả phải chăng và có thương hiệu”. Masan MEATLife đã đặt mục tiêu cho mình sẽ chiếm 10% thị phần thịt lợn trên cả nước.    

Để thực hiện, tháng 4/2015, Masan mua 52% và 70% cổ phần lần lượt của Công ty Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO). Đồng thời, tập đoàn này cũng thành lập công ty TNHH Masan Nutri - Science (MNS), công ty mẹ sở hữu 2 công ty trên. Masan đã đầu tư lên đến hơn 2.192 tỷ đồng để sở hữu 2 doanh nghiệp trên. 

Theo nhiều số liệu, trong đó có số liệu từ Cục Chăn nuôi thì thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% chi phí nuôi lợn. Vì thế, một cách dễ hiểu là doanh nghiệp nào có được cả công ty thức ăn chăn nuôi lẫn công ty chăn nuôi thì sẽ có lợi thế lớn hơn các doanh nghiệp cùng ngành mà chỉ làm chăn nuôi. “Nước cờ” trên của Masan được đánh giá là đúng hướng, tạo được lợi thế cạnh tranh, giúp cải thiện chi phí… cho doanh nghiệp.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt chân vào ngành thịt lợn năm 2015 (Ảnh: IT).

Năm 2015 bước chân vào ngành thịt thì đến 2016-2017, công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết đã hoàn thành 2 bước ở mô hình 3F với việc chi 1.400 tỷ đồng mở trang trại nuôi lợn ở Nghệ An. 

Masan cũng ký kết hợp tác với Vissan - công ty chế biến thịt lớn nhất Việt Nam. Sau đó, công ty tạo ra thương hiệu cám độc quyền để gia nhập chuỗi giá trị thịt với mục tiêu tham vọng là “mang đến người Việt Nam sản phẩm chất lượng cao cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường”.

Năm 2018 thì thương hiệu thịt mát MEATDeli ra đời. Tiếp tục một nhà máy của doanh nghiệp này được khánh thành tại Hà Nam, với quy mô 1.000 tỷ đồng. 

Đến năm 2020 thì Masan M&A với VinCommerce đã tạo ra giá trị cộng hưởng cho Masan MEATLife. Báo cáo thường niên năm 2019 của Masan cho biết, chỉ sau một đêm, sản phẩm thịt mát của công ty này đã có hơn 3.000 điểm. Một nhà máy nữa ở Long An được khánh thành, tổng vốn đầu tư là 1.800 tỷ đồng. 

Như vậy, cộng hưởng công suất của cả 2 nhà máy thì tính theo phương pháp cơ học, mỗi năm sẽ có khoảng 280.000 tấn sản phẩm ra thị trường. 

Báo cáo thường niên 2021 hé lộ Masan thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam, một tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất các thức ăn chăn nuôi có trụ sở chính tại Hà Lan. De Heus trở thành đối tác chiến lược đảm bảo chuỗi cung ứng tích hợp 3F. Cụ thể, theo thông tin từ báo cáo thường niên thì đơn vị mới nhận mảng thức ăn chăn nuôi của Masan này sẽ cung cấp lên đến 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi với giá cả ổn định, chất lượng cao cho trang trại của Masan MEATLife. 

Giá lợn hơi tại Việt Nam kể từ năm Masan bắt đầu làm ngành thịt (Biểu đồ: Lê Nguyệt).

Masan đặt mục tiêu tập trung và mở rộng ngành thịt mát vì theo công ty thì ngành này “có tiềm năng tăng trưởng bền vững dài hạn và có biên lợi nhuận cao hơn”.

Còn về ngành thức ăn chăn nuôi, theo báo cáo thường niên của Masan từ năm 2015 đến năm 2021, mặc dù ngành thức ăn chăn nuôi được đầu tư từ năm 2015 thế nhưng doanh thu của ngành thức ăn chăn nuôi không tăng trưởng thậm chí còn giảm từ 14.054 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 11.030 tỷ đồng năm 2021. Đồng thời biên lợi nhuận gộp của ngành thức ăn chăn nuôi của Masan trung bình dưới 8%, trong khi đó biên lợi nhuận gộp trung bình của các doanh nghiệp mảng chăn nuôi như Dabaco, Hoà Phát khoảng 15-20% trong thời kỳ giá cả ổn định. 

Tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT cũng quyết định tham gia thị phần thịt gia cầm. Công ty 3F Việt đã được đầu tư với tổng số tiền lên đến 613 tỷ đồng cho 51% cổ phần. Đây là đơn vị đang đi đầu về các sản phẩm từ gia cầm như thịt gà mát đóng gói và các sản phẩm chế biến từ thịt gà. Theo Masan, hiện nay thị trường thịt gia cầm đang chiếm tỷ trọng thứ 2 (27,24%) chỉ sau thịt lợn (64,25%). Tuy nhiên, thị trường thịt gà vẫn đang còn phân mảnh và đó là cơ hội cho Masan. Đứng trước thị trường còn nhiều tiềm năng này, tập đoàn đã quyết định mua lại Công ty Việt 3F để làm tăng chuỗi giá trị thịt của mình.

Ngành thịt có giúp Masan “hái tiền” như kỳ vọng?

Theo báo cáo thường niên từ năm 2019 đến 2021 của Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML), trong suốt 3 năm hoạt động mảng thịt của Masan đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh thu của Masan MEALife từ 3,45% năm 2019 lên 28,98% năm 2021. Doanh thu thịt gà và thịt lợn của Masan tăng trưởng thần tốc từ 476 tỷ vào năm 2019 lên đến hơn 4.500 tỷ đồng vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) lên tới... 207,47%.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, Masan MEATLife đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong năm 2022 với tổng doanh thu khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng, tăng 11-33,33% so với mức tổng doanh thu 4.500 tỷ đồng vào năm 2021. 

(Biểu đồ: Lê Nguyệt - Nguồn: BCTC).

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính bán niên đã được kiểm toán năm 2022, Masan MEATLife ghi nhận lợi nhuận mới được 1.900 tỷ đồng. Mức này đã giảm 6,1% so với cùng kỳ, sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi. Mặc dù doanh số bán hàng tăng nhưng doanh thu của công ty vẫn giảm nguyên nhân chính do giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào và giá thịt lợn hơi bán ra giảm mạnh.

Giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thịt lợn hơi là một trong yếu tố tác động chính đến doanh thu và lợi nhuận trong ngành chăn nuôi.  

Theo ghi nhận, giá lợn hơi của 2 quý đầu 2020 khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn 2 quý đầu năm nay chỉ có 54.000-70.000 đồng/kg. Mặc dù giá lợn hơi giảm nhưng giá nguyên vật liệu để làm chi phí thức ăn tăng chóng mặt do đứt gãy chuỗi cung ứng. Điển hình như ngô tăng 29,4%, khô dầu đậu tương tăng 33,4%, lúa mì tăng 49,5%...

Giá lợn hơi thấp hơn và chi phí thức ăn cao hơn dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty chỉ ở mức 17,6% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với 44,9% trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Cuộc đua khốc liệt

Cuộc đua giành miếng bánh thị phần thịt của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khắc nghiệt. Hiện tại, Masan đang phải đối mặt với đối thủ mạnh với nhiều ông lớn trong ngành thịt ở cả trong nước cũng như nước ngoài như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai Agrico, Vissan, Dabaco, CP… 

Cuộc đua khốc liệt này đòi hỏi Masan phải tạo khác biệt về chất lượng cũng như tiếp cận với khách hàng để có thể cạnh tranh với các hãng thịt khác có giá rẻ hơn 10-15%.

(Biểu đồ: Lê Nguyệt - Nguồn: Cục Chăn nuôi). 

Thực tế, có thể thấy Masan cũng đã tạo được cho mình một “chỗ đứng” nào đó với thương hiệu thịt mát hiện phủ sóng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong chuỗi bán lẻ của mình. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cần liên tục đổi mới và cải thiện chất lượng sản phẩm trước sự biến đổi và phát triển không ngừng của đối thủ cạnh tranh. 

Vậy doanh nghiệp của tỷ phú Đông Âu Nguyễn Đăng Quang có thể thực hiện "sứ mệnh" đến đâu, ra sao? Hãy để thời gian trả lời. 

Minh Nguyệt