Fica
  1. Doanh Nhân

  2. Chân Dung

Ông chủ Propercorn muốn khách hàng không chỉ mua bắp rang bơ ở rạp phim

Thảo Thu
Thảo Thu

Cho rằng thị trường ăn vặt lớn nhưng vòng đời sản phẩm lại ngắn, ông Phạm Thành Giang, Chủ tịch Funny Group, đơn vị phát triển thương hiệu Propercorn cho biết muốn phát triển thị trường bắp rang bơ bền vững, khách hàng sẽ đến cửa hàng của ông chứ không chỉ rạp phim.

Lợi thế tự chủ nguyên liệu đầu vào

Ông Phạm Thành Giang, Chủ tịch Funny Group, đơn vị phát triển thương hiệu Propercorn cho biết cơ duyên kinh doanh bắp rang bơ xuất phát từ công việc làm xuất nhập khẩu.

"Ban đầu tôi nhập khẩu về bán cho các đối tác tại Việt Nam, song thấy hay nên đi sâu vào lĩnh vực này và bắt đầu khởi nghiệp ngành thức ăn nhẹ với sản phẩm bắp rang bơ, năm 2018", ông nói.

Nguyên liệu đầu vào được ông cho biết tuyển chọn kỹ. Hạt ngô nổ không biến đổi gen nhập khẩu từ Mỹ; dầu bơ, đường caramel, bột phô mai… nhập từ Singapore. Vận hành công ty xuất nhập khẩu song song kinh doanh bắp rang bơ giúp ông chủ động và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào. 

Nhưng không phải tất cả nguyên liệu cấu thành đều là hàng nhập khẩu. Ông Giang tiết lộ điểm đặc biệt là sử dụng mạch nha từ Quảng Ngãi thay thế đường. Công ty đã có 12 vị bắp rang, nhiều trong đó được lấy từ Việt Nam như bắp rang vị gừng, dưa lưới…

Các loại bắp rang bơ được mua nhiều là phô mai, caramen, mạch nha… Một số vị ông cho là độc, lạ là Alpenliebe, BBQ... "Sắp tới chúng tôi làm nhiều sản phẩm mới như mạch nha kết hợp vừng đen, hạt tiêu, rong biển, phô mai cay...", ông nói.

Quy mô Propercorn hiện có 20 người. Ông vui vì chưa chính thức mở bán, cửa hàng những ngày qua đều có trung bình 50-70 khách hàng vào hỏi mua.

Nhiều người coi bắp rang bơ là đồ ăn vặt. Ông Giang cho rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực tế, khi nhắc đến các món ăn vặt, bắp rang nằm đầu danh sách khuyên dùng của nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhờ nguyên liệu cấu thành 100% từ ngũ cốc nguyên hạt, giúp sản phẩm có hàm lượng chất xơ cao. Ông nói bắp rang cũng "đậm đặc dinh dưỡng", có thể thay thế bữa ăn nhẹ hàng ngày nhờ giàu protein, photpho, sắt…

Chân dung ông Phạm Thành Giang (Ảnh: NVCC).

Muốn khách hàng không chỉ đến rạp chiếu phim để ăn bắp rang bơ

Một trong những điểm khác giúp ông có thêm hy vọng đạt được thành công là xu hướng ăn vặt ở giới trẻ Việt Nam bùng nổ. Ông nói: "Gen Z Việt Nam có mức chi tiêu cho việc ăn vặt trung bình 892.000 đồng/tháng". Ông nhắm đến đối tượng từ 15 đến 35 tuổi, gồm học sinh, sinh viên và dân văn phòng.

Cửa hàng không chỉ bán bắp rang bơ mà cả dụng cụ và nguyên liệu làm sản phẩm. Trước câu hỏi sản phẩm nào sẽ tạo ra sự khác biệt giúp ông cạnh tranh trên thị trường, ông giới thiệu mặt hàng "3 trong 1".

Sản phẩm gồm 100 gram ngô, 50 gram mạch nha/caramel và 50 gram dầu chuyên dụng. "Khách hàng chỉ mất 3-5 phút cho vào nồi đã bật bếp cùng lúc là xong mẻ", ông nói. Ý tưởng xuất phát từ phản ánh của nhiều khách hàng, mua sản phẩm trên thị trường nhưng làm nhưng không thành do phân bổ liều lượng chưa đúng, bị cháy.

"Tôi kỳ vọng sản phẩm sẽ đánh bật những thương hiệu bắp rang Trung Quốc trên thị trường", ông nói. Tại các trang thương mại điện tử, mặt hàng cũng nằm trong top thương hiệu ăn vặt bán chạy, mức giá phổ biến từ 25.000-90.000 đồng/sản phẩm.

Một trong những điều khiến ông trăn trở là tìm cách để khách hàng không chỉ đến rạp chiếu phim để ăn bắp rang bơ. Ông cho rằng Việt Nam chưa định hình được thị trường bỏng ngô và dự định mở cửa hàng chuyên bỏng ngô từ 3 năm trước, nhưng vướng dịch Covid-19 khiến đến nay mới có thể bắt đầu. "Tôi hy vọng người dùng sẽ thấy Việt Nam cũng có nơi bán bắp rang bơ chuyên nghiệp", ông nói.

Bắp rang bơ của ông Giang cũng đang được phân phối cho hơn 300 điểm bán như các quán trà sữa, sữa chua, cafe, siêu thị… Các rạp phim thường tự làm sản phẩm bỏng ngô bán tại chỗ nhưng nguyên liệu nhập khẩu vẫn từ cơ sở của ông Giang.

Thị trường lớn nhưng vòng đời sản phẩm ngắn

Với việc đi sâu vào ngành ngô nói riêng, không chỉ ngành ăn liền nói chung, chủ thương hiệu Propercorn đặt mục tiêu phát triển thị trường bắp rang bơ bền vững. "Thị trường ăn vặt lớn nhưng vòng đời sản phẩm ngắn, không quá một năm. Hết giai đoạn phát triển nóng, nhiều sản phẩm không có điểm tựa để phát triển", ông nói.

Kết quả kinh doanh đều tăng trưởng từng năm. Tuy nhiên, với cửa hàng mới, ông Giang cần giải bài toán cân bằng giữa chi phí vận hành và lợi nhuận. Ông nói: "Tôi có băn khoăn vì kinh tế nói chung bị ảnh hưởng. Phải vận hành một thời gian, tôi sẽ biết mình nên làm gì".

Ông cũng tính tới câu chuyện nhượng quyền cửa hàng: "Để nhanh nhất và giảm thiểu rủi ro, chúng tôi cần nghiên cứu kỹ và chờ đón cuối năm nghiệm thu kết quả từ mô hình hiện tại".

Ông cho biết nhà đầu tư thường cân nhắc mô hình ít rủi ro với 2 tiêu chí kiên quyết là vốn đầu tư vừa phải và có hướng dẫn kỹ lưỡng. Chủ cửa hàng bắp rang tiết lộ sắp tới sẽ phát triển rộng mô hình ki-ốt trước.

Ông kể về khát khao thị trường Việt Nam sẽ phát triển như thị trường Mỹ, nơi ngành bỏng ngô phát triển với nhiều thương hiệu nhượng quyền khắp thế giới. Ông nói: "Cùng một khối lượng bỏng ngô, nhưng giá bán gấp 10 lần so với chúng tôi". Ông muốn xây dựng thương hiệu cùng chất lượng nhưng giá phù hợp thu nhập của người Việt.

Ông Giang không dừng lại ở câu chuyện bán hàng. Ông nói về dự định thiết kế chương trình liên kết các trường để các bé học sinh mầm non, tiểu học có trải nghiệm làm bắp rang và hiểu thêm về ngành ngô. "Ở nước ngoài đã có mô hình này nhưng Việt Nam thì chưa. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, trước hết có thể cho đăng ký và mỗi tuần thiết một buổi trải nghiệm", ông nói.

Thảo Thu