Fica
  1. Doanh Nhân

Chuyện đời cựu CEO sàn FTX: Từ đỉnh cao tới mất gần hết tiền trong 1 ngày

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Từng trở thành tỷ phú tiền số với hàng chục tỷ USD chỉ trong 4 năm, giờ đây, những gì Sam Bankman-Fried còn lại là 100.000 USD trong tài khoản ngân hàng.

Một tháng trước, Sam Bankman-Fried là người đàn ông 30 tuổi sở hữu sàn giao dịch tiền số FTX, công ty thương mại Alameda Research và 15,6 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg.

Anh đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực tiền số chỉ trong vòng bốn năm và thậm chí còn có kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực tài chính chính thống.

Chuyện đời cựu CEO sàn FTX: Từ đỉnh cao tới mất gần hết tiền trong 1 ngày - 1

Chú thích: Chân dung Sam Bankman-Fried (Ảnh: Getty Images).

Còn hiện tại, tất cả những gì Bankman-Fried có trong tay là 100.000 USD trong tài khoản ngân hàng và danh xưng "cựu CEO của FTX" - công ty tuyên bố phá sản vào tháng trước.

Dưới đây là câu chuyện về sự thăng trầm của Bankman-Fried - người đã trở thành tỷ phú tiền số chỉ trong 4 năm trước khi từ chức CEO FTX và mất gần hết tài sản chỉ trong một ngày.

Bén duyên với tiền số

Bankman-Fried lớn lên ở Thung lũng Silicon, cha mẹ anh là giáo sư luật Đại học Stanford danh tiếng. Anh trải qua thời thơ ấu với niềm đam mê chơi cờ vua và bài bridge. Lớn lên, Bankman-Fried học vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Sau khi tốt nghiệp, Bankman-Fried làm việc cho công ty thương mại toàn cầu Jane Street - nơi anh học được nghệ thuật kinh doanh chênh lệch giá - hình thức trong đó các nhà giao dịch mua một tài sản với giá thấp ở một thị trường và bán nó với giá cao hơn ở một thị trường khác.

Trong 3 năm làm việc tại Jane Street, Bankman-Fried đã tặng một nửa số tiền lương của mình cho các nhóm bảo vệ động vật và tổ chức từ thiện. Sau đó, anh rời đi để làm việc cho Centre for Effective Altruism - một dự án hoạt động với mục đích tìm ra cách mang lại lợi ích cho người khác nhiều nhất có thể.

Năm 2017 là thời điểm tiền số bùng nổ và mọi người bắt đầu giao dịch trên các sàn giao dịch tư nhân. Bankman-Fried nhận thấy một số đồng coin được bán với giá cao hơn trên một vài sàn giao dịch so với những đồng coin khác.

Vì vậy, anh nảy ra ý tưởng sử dụng kỹ năng kinh doanh chênh lệch giá của mình để khai thác các khoảng trống về giá. Đến tháng 10 năm đó, Bankman-Fried thành lập công ty giao dịch tiền số của riêng mình - Alameda Research tại Berkeley, California.

Alameda nhanh chóng thành công và Bankman-Fried trở nên nổi tiếng nhờ những làn sóng mà anh tạo ra trong ngành công nghiệp tiền số. Năm 2018, anh chuyển đội ngũ công ty đến Hong Kong vì các quy tắc tại đây có phần "dễ thở" hơn so với Mỹ.

Khi kiếm được nhiều tiền từ các giao dịch, tham vọng của Bankman-Fried cũng tăng lên. Anh bắt đầu có những ý tưởng về việc xây dựng một giải pháp thay thế cho các sàn giao dịch khác.

Sự thành công của "đế chế" tiền số FTX

Đầu năm 2019, Bankman-Fried và đội ngũ của mình đã tích cực làm việc để xây dựng sàn giao dịch tiền số riêng. Sau 4 tháng viết mã, họ ra mắt FTX vào tháng 5/2019.

FTX nhanh chóng gặt hái được thành công vì những tính năng mà nó cung cấp. Năm 2020, Bankman-Fried mở một chi nhánh nhỏ của FTX tại Mỹ. Kế hoạch của anh là chiếm phần lớn thị trường tiền số của Mỹ.

Tháng 9/2021, Bankman-Fried quyết định chuyển hoạt động của FTX sang Bahamas, nằm ở phía Đông Nam bang California. Nền tảng này vẫn có thể hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Theo Bloomberg, chỉ riêng trong năm 2021, Bankman-Fried đã thu về khoản lãi 350 triệu USD từ FTX và 1 tỷ USD khác từ Alameda.

Chuyện đời cựu CEO sàn FTX: Từ đỉnh cao tới mất gần hết tiền trong 1 ngày - 2

Nền tảng FTX có thể hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (Ảnh: Pymnts).

 Các nhà đầu tư lớn của FTX bao gồm quỹ Vision của tập đoàn SoftBank, Tiger Global, Sequoia Capital và BlackRock. Theo Forbes, đến đầu năm nay, FTX và các hoạt động tại Mỹ của công ty được định giá khoảng 40 tỷ USD. Vào thời kỳ đỉnh cao, Bankman-Fried sở hữu khối tài sản trị giá 26 tỷ USD và là tỷ phú giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi trong lĩnh vực tiền số.

Trong thời gian này, Bankman-Fried vẫn tiếp tục các hoạt động tài trợ và từ thiện của mình. Anh từng chia sẻ rằng, cuối cùng anh sẽ chỉ giữ lại 1% thu nhập hoặc tối thiểu là 100.000 USD/năm.

Bankman-Fried cũng nổi tiếng là người giản dị. Anh ăn mặc không cầu kỳ, lái một chiếc xe Toyota Corolla, sống cùng một số người khác và ăn chay trường.

Tuy nhiên, Bankman-Fried cũng có một số khoản chi lớn như 30 triệu USD để phát sóng một quảng cáo trong sự kiện Super Bowl 2022 với diễn viên hài Larry David.

Những gì anh làm được cho thấy dường như khó ai có thể ngăn cản anh tiếp tục thành công. Thế nhưng đầu tháng 11 vừa qua, trang thông tin về tiền số CoinDesk đã tiết lộ một bảng cân đối kế toán bị rò rỉ, cho thấy Alameda Research đang trong giai đoạn không ổn định về tài chính.

Sự nghiệp tiêu tan

Báo cáo cho biết hầu hết tài sản của Alameda được gắn với token nội bộ của FTX là FTT. Do đó, các nhà giao dịch bắt đầu lo lắng về sự sụt giảm đột ngột về giá trị của FTT.

Changpeng Zhao, người điều hành sàn tiền số Binance - đối thủ của FTX, đã thông báo ngay sau đó rằng Binance sẽ bán số FTT mà họ nắm giữ. Cùng với đó, các nhà giao dịch bắt đầu đổ xô rút các khoản nắm giữ của họ khỏi nền tảng của FTX. Bankman-Fried không còn lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu Binance "giải cứu" FTX.

Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thỏa thuận. Theo Bloomberg, tài sản của Bankman-Fried đã giảm tới 94% xuống còn khoảng 1 tỷ USD. Hai ngày sau, anh tuyên bố từ chức CEO của FTX. Đồng thời, FTX, Alameda Research và 130 công ty liên quan khác đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 Luật phá sản của Mỹ.

Chuyện đời cựu CEO sàn FTX: Từ đỉnh cao tới mất gần hết tiền trong 1 ngày - 3

Chú thích: Sam Bankman-Fried (bên phải) và Changpeng Zhao đã không đạt được thỏa thuận chung (Ảnh: Bloomberg).

John Ray - CEO mới của FTX cho biết ông chưa bao giờ "chứng kiến sự thất bại hoàn toàn trong kiểm soát và hoàn toàn không có thông tin tài chính đáng tin cậy" như những gì đã xảy ra với FTX.

Một hồ sơ ngày 19/11 tiết lộ rằng FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất gần 3,1 tỷ USD và tổng số nợ phải trả ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD. Có khoảng 1 triệu khách hàng và các nhà đầu tư khác đã trở thành nạn nhân của FTX.

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra sự sụp đổ của FTX. Bankman-Fried cũng được cho là đã bị cảnh sát Bahamas thẩm vấn vào ngày 12/11.

Không lâu sau khi FTX phá sản, thông tin về các khoản chi tiêu lên tới hàng chục triệu USD tại Bahamas của Bankman-Fried đã được tiết lộ. Cựu CEO 30 tuổi đã mua một căn penthouse trị giá 40 triệu USD với 3 mặt nhìn ra biển cùng một mảnh đất trị giá 60 triệu USD nơi anh ta gọi là trụ sở tương lai của FTX nhưng chưa bao giờ bắt đầu xây dựng.

Ngoài ra, một trong những chi nhánh tại Mỹ của FTX đã mua số bất động sản trị giá gần 300 triệu USD ở Bahamas.

Chia sẻ với trang Axios ngày 28/11, Bankman-Fried cho biết tài sản của anh ta hiện giảm xuống chỉ còn 100.000 USD sau sự sụp đổ của FTX. Mới đây nhất, cựu CEO nói rằng anh nghĩ mình sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý vì sự sụp đổ của FTX và cam kết hỗ trợ hàng triệu khách hàng cũng như các bên liên quan của FTX - những người đã mất khoản tiền lớn do ảnh hưởng của sự sụp đổ của sàn tiền số này.

Trong chương trình Good Morning America, Bankman-Fried cho biết anh ấy có thể ngăn chặn sự sụp đổ của FTX nếu dành "một giờ mỗi ngày" cho việc quản lý rủi ro. Cựu CEO cũng phủ nhận mình đang lẩn tránh do lo ngại bị Mỹ bắt giữ đồng thời nói rằng mình đang "nghĩ đến việc" quay trở lại Mỹ.

Hạnh Vũ