Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2017) sinh ra ở 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong gia đình giàu có bậc nhất thời bấy giờ.
Nữ doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ lúc sinh thời.
Ông Trịnh Cần Chính (con trai thứ 6 của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ) chia sẻ, sớm thừa hưởng cốt cách nho nhã của cha và sự tháo vát, đảm đang của mẹ, năm 13 tuổi, cụ Minh Hồ đã biết thay cha mẹ quản lý cửa hàng tơ lụa của gia đình.
Đến tuổi lấy chồng, cụ được kết duyên cùng quý tử của họ Trịnh giàu có, sở hữu thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng. Từ đây, người phụ nữ này đã cùng chồng phát triển sản nghiệp của gia đình chồng lên một tầm cao hiếm có.
Cụ Minh Hồ bên gia đình con trai út Trịnh Cần Chính dịp Tết Nguyên đán 2017.
Ông Chính kể: "Bố mẹ tôi lao động rất vất vả. Sau bữa cơm tối, người ta được nghỉ ngơi, bố mẹ vẫn mải miết tính toán, lo các đơn hàng.
Những ngày lễ Tết, người dân thảnh thơi đưa nhau đi mua sắm, nhà tôi vẫn làm cả đêm lẫn ngày. Trong nhà luôn thường trực 30 giúp việc. Công việc xong xuôi, hàng hóa được chuyển đi, mọi người mới được nghỉ tay.
Mỗi người về quê đều có quà Tết là bánh kẹo, quần áo và tiền lương. Ai khó khăn, ông bà cho thêm tiền đi tàu xe'.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ (giữa, mặc áo dài trắng) trước thềm Nhà hát Lớn tại “Tuần lễ vàng” 1945.
Bà Nguyễn Xuân Hà (SN 1961, con dâu cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ) nhớ lại: “Tôi và một người chị dâu ở cùng gần gũi, chăm sóc mẹ thường xuyên. Lúc sinh thời, bà hay tâm sự nhiều chuyện quá khứ và cuộc đời.
Trong đó, tôi ấn tượng là những kỷ niệm của bà về ngày Tết. Mẹ kể, ngày xưa người Hà Nội có thú vui tao nhã là chơi hoa thủy tiên ngày Tết.
Đêm giao thừa, cả gia đình quây quần dưới bàn thờ tổ tiên, cùng chờ thời khắc bông thủy tiên hé nở thì năm đó vô cùng may mắn”.
Theo lời bà Hà, cha của nữ doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ rất mê loài hoa này. Hà Nội có cuộc thi hoa thủy tiên vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch. Đền Ngọc Sơn là nơi tổ chức cuộc thi.
Đây là cuộc thi chỉ dành cho những danh nhân, quyền quý. Họ chăm sóc hoa thủy tiên cả năm trời, tỉ mỉ tạo dáng, gọt giũa sao cho củ thủy tiên có hình dáng thật đẹp, độc đáo.
Ngày thi, mọi người háo hức mang chậu hoa đến so tài. Người ta trọng hoa đến mức những chậu thủy tiên đoạt giải được xếp vào kiệu, có trống rong cờ mở, rước thong dong khắp phố cho người dân chiêm ngưỡng.
Trong nhà cụ Hồ lúc nào cũng ngập tràn các chậu hoa thủy tiên. Trước Tết, cha cụ Hồ lựa củ đẹp mang dự thi, phần còn lại cho con gái dùng bông hoa thủy tiên ướp trà.
Sau này, khi đã lập gia đình, dù công việc kinh doanh của nhà chồng bận rộn, cụ vẫn dành thời gian ướp trà đặc biệt là vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Căn biệt thự 34 Hoàng Diệu, nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm về vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ.
'Lâu nay, người ta chỉ nhắc đến ướp trà với hoa bưởi, hoa nhài… ít ai đề cập đến việc ướp hoa thủy tiên. Khi nghe mẹ kể, tôi rất tò mò.
Mẹ chồng tôi nói, loại trà này không thơm nồng như hoa nhài, man mát như hoa sen mà thanh tao, nhẹ nhàng. Người ta uống trà không phải để thỏa mãn cơn khát, mà để thưởng thức hương vị tinh tế của trà.
Bà dạy, thời đó con gái mới lớn phải biết ướp trà. Không phải chỉ biết ướp 1 loại mà phải ướp 5, 7 loại trà.
Tùy theo thời tiết, khí hậu mà ướp. Ví dụ như mùa xuân ướp hoa thủy tiên, mùa thu ướp hoa ngâu, mùa hè ướp nhài… Cứ thế quanh năm đều có trà ngon đãi khách quý', con dâu út cụ Minh Hồ bộc bạch.
Bà Phạm Thị Yến (SN 1949, một người con dâu khác của cụ Minh Hồ) cũng chia sẻ, mẹ chồng bà là người có lối sống mẫu mực và giản dị. Khi tiếp khách bao giờ cụ Minh Hồ cũng chọn trang phục áo dài, thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.
Khách đến nhà thường gia chủ phải có quà đáp lễ. Quà của cụ Minh Hồ chính là ấm trà do cụ ướp.
Những năm tháng cuối đời, cụ Hồ vẫn tự tay ướp trà.
'‘Mẹ có bí quyết ướp trà đặc biệt. Trà phải mua loại lâu năm vị mới đậm. Hoa thủy tiên nụ vàng, cánh trắng được hái rất nhẹ nhàng.
Trước khi ướp, mẹ tôi rửa trà, tiếp đó cho trà ủ với chai nước nóng 2 ngày 1 đêm để chè giòn, khô rồi mới bỏ trà ra ướp với hoa.
Dùng 1 túi bóng kính mờ, rải đều trà lên đó, một lớp trà, một lớp hoa theo tỷ lệ nhất định. Ướp trà 2 ngày trong một lọ gốm đậy kín rồi tách riêng trà và hoa.
Sau đó, cụ Hồ sấy bằng cách lấy 1 chai thủy tinh đựng đầy nước nóng bên trong, để vào giữa, cuộn túi trà xung quanh.
Chai nước nóng sẽ hút hết chất ẩm trong trà, được làm nóng từ từ, trà sẽ giữ được mùi hương. Mẹ tôi không bao giờ ướp trà vào ngày mưa gió ẩm ướt. Nếu ướp bà phải chọn ngày thanh tịnh, sạch sẽ, nếu không trà sẽ hỏng. Các loại trà khác như trà sen, trà nhài... cũng được ướp tương tự', bà Yến nói.
Những năm tháng cuối đời, sức khỏe suy yếu nhưng cụ Minh Hồ vẫn tự tay ướp trà sen, tặng cho các đoàn khách đến thăm nhà.
Theo Diệu Bình - Ngọc Trang
Vietnamnet