Anh Lê Hoàng Anh, Nhà Sáng Lập & CEO của EcoTruck
Để tìm hiểu về “đòn bẩy” công nghệ này, chúng tôi đã tìm gặp Nhà sáng lập & CEO của EcoTruck – anh Lê Hoàng Anh. Sinh năm 1981, nhà sáng lập Lê Hoàng Anh từng đạt Huy chương Vàng - thủ khoa Đại Học Bách Khoa TP. HCM. Anh cũng nhận được học bổng toàn phần sang Mỹ học thạc sĩ, tiến sĩ ngành Công Nghệ Thông tin, trường Đại học New York (New York University - NYU). Anh đồng sáng lập và có 5 năm làm Giám Đốc Điều Hành của công ty công nghệ tài chính (Fintech) Sentifi Việt Nam.
Chúng tôi gặp anh vào 6h sáng chủ nhật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, khi anh và các đồng nghiệp của mình đang... chạy bộ. Họ vừa chạy, vừa vui cười với nhau, ánh mắt ánh lên sức sống trẻ trung. Rất khó trông thấy anh ở các bữa tiệc xa hoa, bàn nhậu ồn ào. Tuy nhiên, cứ dậy sớm vào sáng sớm cuối tuần, chúng tôi dễ dàng gặp anh chạy bộ ở đây. Anh hiếm khi nói về bản thân mình, không quan tâm đến giải thưởng, bằng cấp. Thế nhưng, khi nhắc đến những vấn đề nóng trong ngành vận tải, Logistics ở Việt Nam, thì ánh mắt anh ánh lên sự say sưa trò chuyện…
Buổi chạy kết nối tinh thần teamwork cao
Chào anh Hoàng Anh, hãy bắt đầu bằng cách hiểu đơn giản nhất về EcoTruck nhé. EcoTruck giống như ứng dụng công nghệ đặt xe Uber nhưng dành cho lĩnh vực xe vận tải hàng hóa lớn, hàng container?
Hiểu như vậy đúng nhưng chưa đủ. EcoTruck tập trung vào dịch vụ đặt xe tải là trong giai đoạn đầu, năm 2017 - 2018. Rộng hơn thế nữa, EcoTruck (EcoSystem for Trucking) định vị là hệ sinh thái hoàn chỉnh cho vận tải. Có nghĩa là EcoTruck thực hiện toàn bộ chuỗi Logistics cho doanh nghiệp. Logistics bao gồm: giao nhận vận tải, các dịch vụ kho bãi, xếp dỡ, đăng ký với hàng tàu, hải quan, bảo hiểm hàng hóa...v.v...
Có một điều khác biệt so với tất cả mô hình đặt xe khác, EcoTruck không chỉ dừng lại là nhà mô giới cho hai bên chuyên chở, mà EcoTruck còn chịu trách nhiệm về hàng hóa và quản lý tất cả đối tác trong hệ thống ứng dụng công nghệ của mình.
EcoTruck xây dựng “chợ” công nghệ kết nối các đối tác, mang đến lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Oằn mình cõng phí Logistics cao - Rào cản lớn cho nền kinh tế
Nếu thử nhìn các sản phẩm xung quanh ta bây giờ, thì hầu hết sản phẩm đó đều liên quan đến vận tải, logistics. Thị trường Logistics rất lớn, tất cả các doanh nghiệp đều liên quan đến logistics. Logistics là mắc xích quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nó tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Mặc dù là “xương sống” của nền kinh tế, nhưng ngành logistics Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: hạ tầng giao thông yếu, khối lượng hàng tồn kho lớn, số lượng xe tải chở thùng rỗng khi chạy chiều về gây lãng phí, thủ tục hải quan, hành chính phức tạp, công nghệ lạc hậu so với cuộc cách mạng công nghệ thế giới…Tổng thống Mỹ Benjamin Franklin từng nói “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”.
Không để cho chi phí Logistics có thể nhấn con tàu kinh doanh, ngày 14/02/2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản định hướng cấp quốc gia về phát triển dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp đang chịu chi phí vận tải, Logistics cao, tạo rào cản lớn cho nền kinh tế...
Việt Nam hiện đang là top những đất nước chịu chi phí cao trong vận tải nói riêng và Logistics nói chung. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí vận tải chiếm khoảng 65% chi phí logistics của Việt Nam. Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp đội lên hơn 20% vì phải gánh các chi phí Logistics. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là dưới 10% ở nhiều nước trên thế giới, tạo rào cản doanh nghiệp Việt cạnh tranh về giá xuất nhập khẩu. Xét về GDP, phí logistics chiếm tới 25% GDP của Việt Nam, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Việt Nam hiện đang là top những đất nước chịu chi phí Logistics cao
Nhắc tới ngành Logistics, người ta thường nghĩ tới sự phức tạp, khó khăn, nhiều chi phí ngoài luồng bị “thổi phồng” lên, và còn tồn đọng nhiều kiểu vận hành cũ gần 100 năm qua, để thay đổi nó là thử thách rất khốc liệt. Vì sao anh dấn thân khởi nghiệp trong lĩnh vực chông gai này? Hẳn là EcoTruck có “đại gia” chống lưng phía sau?
Nơi đâu càng khó khăn, càng chưa giải quyết được thì nơi đó chính là cơ hội để ta làm. EcoTruck ra đời với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm giảm chi phí logistics của Việt Nam đồng thời tăng chất lượng dịch vụ của ngành. Mục tiêu trong 5 năm, công ty sẽ gia tăng hiệu quả ngành, tiết kiệm chi phí logistics tương đương 1% GDP cho toàn bộ nền kinh tế (khoảng 2 tỷ USD).
EcoTruck không có “đại gia” nào chống lưng cả. Có chăng đó chính là các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà EcoTruck có được khi gọi vốn đầu tư. Kể từ tháng 11/2017 tới nay, EcoTruck đã gọi được 2 triệu đô vốn đầu tư.
Giảm được chi phí logistics bằng cách đơn giản như đặt vé máy bay
Kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng lên đáng kể. Cả người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp đều mong đợi có được hàng hóa nhanh hơn, linh hoạt hơn. Việc sản xuất cũng ngày càng trở nên tối ưu hơn, chất lượng hơn, điều này thật sự tốt cho khách hàng, nhưng lại là công việc khó khăn cho ngành logistics. Tất cả những điều trên, cộng thêm ngành đang chịu sức ép nghiêm trọng, vì vậy nhu cầu của doanh nghiệp trong việc muốn có được dịch vụ logistics tốt hơn, với chi phí thấp hơn, càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Ngành Logistics có thể tạo nên sự đột phá mới khi tận dụng được tối đa và thông minh của ứng dụng công nghệ: từ các phân tích dữ liệu (data analytics), đến tự động hóa (automation)... Điều này sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả ngành Logistics.
Hiện nay trên thế giới, hệ thống logistics đang vận động theo xu hướng ứng dụng công nghệ. Nhiều khâu của dịch vụ logistics như xử lý đơn hàng, thực hiện đơn hàng, giao hàng, thanh toán, thu hồi hàng hóa… được thực hiện tự động, thông minh với độ chính xác cao. Doanh nghiệp nào biết tận dụng thế mạnh của sự đột phá công nghệ, sẽ tăng sức mạnh cạnh tranh. Tại Việt Nam, Ecotruck đang dẫn đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cho ngành Logistics.
Với công nghệ đột phá của mình, EcoTruck tự tin về khả năng giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí logistics chỉ bằng cách đơn giản như đặt vé máy bay. Vậy thực tế, đã có bao nhiêu đối tác tin tưởng làm việc với EcoTruck?
Kể từ khi bắt đầu vào tháng 11/2017 cho đến nay (tháng 8/2018), nền tảng ứng dụng công nghệ vận tải EcoTruck đã có hơn 80 nhà xe với hơn 1000 xe container và xe tải các loại trong hệ thống và hơn 70 doanh nghiệp khách hàng đã giảm được chi phí logistics khi dùng ứng dụng này.
EcoTruck đã mang lại những lợi ích rõ ràng, thiết thực cho tất cả các bên đối tác trong “chợ” công nghệ của mình, như nhà xe, chủ hàng… Đối với các chủ hàng, thông qua ứng dụng công nghệ EcoTruck, chủ hàng tinh giảm được bộ máy, chi phí nhân sự, có được chất lượng dịch vụ tốt hơn, và điểm đáng chú ý là tiết kiệm chi phí logistics từ 5 - 10%, một số nơi có thể đạt 20%.
EcoTruck giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí logistics bằng một thao tác đơn giản như đặt vé máy bay
Quan trọng nhất là chúng tôi giúp họ tập trung vào phần kinh doanh cốt lõi (core business). Logistics không còn là một gánh nặng cho họ nữa vì đã có chúng tôi lo.
Một trong những công nghệ hiện đại mà chúng tôi đã và đang áp dụng liên quan đến khoa học dữ liệu (data science). Trong 5 năm làm việc với khoa học dữ liệu, tôi hiểu rất rõ giá trị của nó. Về lâu dài, chúng tôi tin đây sẽ là yếu tố chiến lược giúp EcoTruck cạnh tranh và mở rộng ở một quy mô rất lớn.
Vẫn biết ứng dụng công nghệ như EcoTruck là điều tất yếu cần phải có trong cuộc cách mạng công nghiệp đang thay đổi chóng mặt từng ngày. Thế nhưng, công nghệ chưa thể thay thế con người. Đặc biệt, trong ngành Logistics vốn rất phức tạp, thì yếu tố con người vẫn rất quan trọng?
Đúng vậy. Do tính chất đặc biệt của ngành cũng như thị trường Việt Nam, EcoTruck có một bộ phận chăm sóc khách hàng (doanh nghiệp) được đầu tư rất kỹ lưỡng về nhân lực, kinh nghiệm, với sự hỗ trợ về mặt công nghệ.
Để cung cấp các dịch vụ đầy đủ các khâu Logistics cho khách hàng, EcoTruck thực hiện ba giải pháp chủ đạo gồm: mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng cao.
Anh từng hoàn thành cuộc thi thể thao ba môn phối hợp quốc tế Ironman với tổng quãng đường 140,6 dặm (225km, bao gồm bơi biển 3.8km, đạp xe 180km, và chạy bộ 42.2km). Đây không chỉ là một cuộc đua thể thao mà còn là cuộc đua thử thách thể lực bền bỉ và ý chí sắt đá. Có thể nói, hiện nay trên 92 triệu dân thì chỉ có 0, 0001 % (một trong 1 triệu) người cầm được tấm kỷ niệm chương Ironman 140.6 này. Anh có bài học nào từ cuộc thi để áp dụng vào cuộc sống khởi nghiệp?
Đơn giản thôi, tôi tham gia cuộc đua vì tôi thích sự khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đua và cảm giác vượt qua được nó. Trong khởi nghiệp cũng vậy, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức khắc nghiệt. Cố gắng thôi không đủ, phải mạnh mẽ vượt qua nó, không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta cần tập trung làm 100 % khối óc và tâm trí.
Trong khởi nghiệp sẽ có nhiều cạnh tranh, nhưng chỉ số ít các công ty rất kiên cường đang tạo ra giá trị thực sự trên thị trường, sẽ tồn tại trong trái tim của nền kinh tế.
Cảm ơn anh về buổi chia sẻ hôm nay. Chắc chắn chúng tôi sẽ nghe nhiều hơn về EcoTruck trong tương lai với tư cách là một đối tác cho sự biến đổi thúc đẩy lĩnh vực công nghệ ngành Logistics.
An Nhiên