“Nữ hoàng thuỷ sản” hưởng lợi lớn giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Sáng 18/7, cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tiếp tục tăng thêm 1,4% lên 64.500 đồng/cổ phiếu. Đây đã là phiên tăng giá thứ 6 liên tục của VHC kể từ 11/7.
Với 6 phiên tăng giá vừa qua, vốn hoá thị trường của Vĩnh Hoàn đã tăng 812 tỷ đồng và tài sản của bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đang sở hữu 42,88% cổ phần công ty này cũng tăng hơn 348 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Lệ Khanh đã lấy lại được gần hết số tài sản "đánh rơi" trong vòng 3 tháng vừa qua
Giới phân tích cho rằng, cá tra có thể là ngành được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Đây được cho sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp của Việt Nam như Vĩnh Hoàn để chiếm lĩnh nốt thị phần của thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ nhì thế giới.
Bầu Đức “thừa thắng xông lên”
Phiên giao dịch 18/7, cổ phiếu HAG và HNG tiếp tục đà tăng trong suốt tuần qua. HAG tăng trần lên 6.330 đồng/cổ phiếu, HNG tăng 5,1% lên 13.500 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, từ mức đáy phiên 28/5, đến nay, chỉ 1 tháng rưỡi, HAG đã hồi phục rất mạnh, tăng giá tới 43,2% (tăng 1.910 đồng/cổ phiếu). Còn HNG cũng đã tăng giá tới 119,5% (tăng 7.350 đồng/cổ phiếu) so với mức thấp nhất năm của ngày 26/2/2018.
Hai mã cổ phiếu này cũng có thanh khoản vào diện tốt nhất thị trường. Trong khi HAG khớp lệnh tới 18,1 triệu đơn vị thì HNG cũng có tới 19,5 triệu cổ phiếu được sang tay.
Bầu Đức bị bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ
Tuy nhiên, cuối chiều ngày 20/7, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông báo, tài khoản chứng khoán của ông đã bị bán ra 3,83 triệu cổ phiếu HAG.
Giao dịch này được thực hiện ngay trong ngày 20/7/2018 và hoàn toàn không nằm trong kế hoạch của ông Đức. Nguyên nhân là do Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tự động bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay.
Đáng nói là hoạt động giải chấp cổ phiếu HAG diễn ra trong bối cảnh mã này đang trong đà tăng mạnh. Trước khi giảm nhẹ trong hai phiên gần đây, HAG đã có 5 phiên liền tăng giá, từ mức 4.880 đồng của phiên 11/7 lên 6.330 đồng của phiên 18/7 (tương ứng tăng 29,7%).
Hiện tại, sau khi cổ phiếu bị đem bán giải chấp, sở hữu của bầu Đức tại HAG đã giảm từ 330,56 triệu cổ phiếu (tương ứng 35,64%) còn 326,73 triệu cổ phiếu (tương ứng 35,23% vốn điều lệ Hoàng Anh Gia Lai).
Nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam có hơn 1.550 tỷ đồng
Với sở hữu (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) lên tới 202,2 triệu cổ phiếu VJC, tạm tính chỉ trong vài giờ giao dịch buổi sáng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO hãng bay Vietjet đã có thêm 1.557 tỷ đồng trong tài khoản cổ phiếu.
Do VJC là mã có hoạt động tích cực nhất trong phiên. Mã này sáng ngày 19/7 đã tăng tới 7.700 đồng/cổ phiếu lên 142.200 đồng/cổ phiếu.
Vừa bổ nhiệm “nữ tướng”, tỷ phú Trịnh Văn Quyết bỗng đón tin vui
Tập đoàn FLC vừa có đợt biến động mạnh về nhân sự cấp cao. Sau khi ông Trần Quang Huy rời khỏi vị trí Tổng giám đốc thì tập đoàn này cũng đã công bố việc bổ nhiệm bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ điều hành doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, sau phiên giảm nhẹ ngày 19/7, sáng ngày 20/7, cổ phiếu FLC bất ngờ tăng trần mạnh mẽ lên 5.410 đồng/cổ phiếu bất chấp thị trường diễn biến tiêu cực.
Thanh khoản FLC gấp đôi HAG và dẫn đầu thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt 18,7 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, cuối phiên sáng cùng ngày mã này vẫn có dư mua trần gần 3 triệu đơn vị trong khi không hề còn dư bán.
Nhà chồng Hà Tăng báo “tin vui”
Doanh thu thuần quý II của Sasco tăng tới 14% lên 634,45 tỷ đồng, lãi ròng đạt gần 119 tỷ đồng, tăng 81%. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp của nhà chồng Hà Tăng đạt 1331,6 tỷ đồng doanh thu và 189,9 tỷ đồng lãi ròng, tăng 44% so với cùng kỳ 2017.
Trong năm 2017, bố mẹ chồng của Hà Tăng là ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên đã tham gia quản trị Sasco, trong đó, ông Hạnh Nguyễn đóng vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Nhóm 3 công ty gia đình của nhà chồng Hà Tăng đang sở hữu tổng cộng 45,3% vốn điều lệ Sasco, tỉ lệ sở hữu chỉ đứng sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với hơn 49%.
Thế Hưng