Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Tiêu Dùng

Vụ sản phẩm Con Cưng nghi “tráo mác”: Cần có ai đó phải ra toà?

Mai Chi
Mai Chi

Cho biết, mặc dù một trong các quỹ đầu tư do Công ty quản lý quỹ SSI quản lý hiện là cổ đông lớn của Con Cưng, song ông Nguyễn Duy Hưng vẫn nêu rõ quan điểm: “Hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi!”.

Liên quan đến vụ lùm xùm gắn mác ngoại vào sản phẩm, trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng đã có những phát biểu về quan điểm về vấn đề nói trên.

nguyen duy hung
Ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm khá thẳng thắn về vấn đề của chuỗi cửa hàng Con Cưng

Cho biết, mặc dù một trong các quỹ đầu tư do Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý hiện là cổ đông lớn của Con Cưng, song ông Hưng khẳng định: không vì thế mà bao che hoặc kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý truyền thông. Thái độ xử lý với hàng giả là không phân biệt của ai.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng: “Hàng thay mác tức là hàng giả, không tranh cãi!”. Việc người tiêu dùng phải mua hàng giả, theo ông Hưng, là không chấp nhận được.

Ông Hưng cho rằng, chỉ có một giải pháp duy nhất đối với Con Cưng là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này.

Nếu đây là lỗi cố tình vi phạm thì phải khởi tố hình sự”, lãnh đạo SSIAM nhấn mạnh. Còn nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này. Trước mắt tất cả những sản phẩm này phải được thu hồi và trả lại tiền cho khách hàng.

“Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy! Đây là quan điểm xuyên suốt và không có ngoại lệ”, ông Hưng cho hay.

Trong một động thái liên quan, Công ty cổ phần Con Cưng cũng đã có thông báo để giải thích về vấn đề nguyên liệu và nguồn gốc xuất xứ của lô hàng được cho là “không rõ về nguồn gốc nguyên liệu và lỗi nhãn mác” này.

Theo thông tin từ doanh nghiệp thì sản phẩm CF G127011 mà ông Trương Đình Công Vĩnh khiếu nại, nằm trong lô hàng được sản xuất bởi Công ty International Incorporated (Thailand) tại Thái Lan, thông qua Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017 giữa Con Cưng và đối tác này.

Toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng mua bán này đã lấy được chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O mẫu D do Sở Ngoại Thương - Bộ Thương Mại Thái Lan cấp.

Con Cưng khẳng định, nhà sản xuất xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu sản xuất thành phẩm, tuy nhiên hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan. “Ngoài vấn đề kỹ thuật nêu trên, chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo”, thông báo của Con Cưng còn nhấn mạnh.

Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn thực hiện thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Việc thu hồi này được thực hiện trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua, bất kể những sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.

Hiện mới chỉ có 47 sản phẩm được khách hàng trả lại trong tổng số 3.942 sản phẩm trong lô hàng này mà chuỗi cửa hàng của Con Cưng đã bán ra. Số sản phẩm thu hồi sẽ được doanh nghiệp trả lại nhà sản xuất.

Về phía cơ quan quản lý, chiều qua (22/7), Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường TPHCM đã đồng loạt đi kiểm tra một số cửa hàng của hệ thống Con Cưng.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý Thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ kiểm tra hệ thống Con Cưng trên cả nước. “Căn cứ vào các quy định pháp luật thì thấy các sản phẩm ở đây có một số nghi vấn về nhãn mác nguồn gốc xuất xứ, cái này sẽ phải kiểm tra rõ”, ông Hùng nói.