Các vụ cháy rừng và hạn hán ở Brazil đã gây chấn động thị trường đường toàn cầu, đặt áp lực lên Thái Lan và Ấn Độ để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, cả 2 nước này gần đây cũng cảnh báo rằng họ đang phải đối mặt với những rủi ro riêng, theo Bloomberg.
Cú sốc nguồn cung bất ngờ từ Brazil đã giúp giá đường thô tương lai tại sàn New York tăng 19% trong tháng này. Sự tăng giá còn được thúc đẩy bởi các nhà đầu cơ chuyển sang đặt cược vào xu hướng tăng.
Theo Bloomberg, giá đường thô đang trải qua mức tăng kỷ lục trong vòng 16 năm. Điều này là hệ quả của tình trạng mất mùa do cháy rừng và đợt nắng nóng khốc liệt tại Brazil.
Ngoài ra, sản lượng đường của Thái Lan, nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, dự kiến sẽ phục hồi trong vụ mùa 2024-2025. Tuy nhiên, trận lũ lụt vào tháng 9 đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo mới về rủi ro thời tiết. Bên cạnh đó, những lo ngại đã bắt đầu xuất hiện về khả năng quá trình thu hoạch bị trì hoãn nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài.
"Thị trường đường đang như một thùng thuốc súng và chỉ cần một tia lửa là nó sẽ bùng nổ," ông Henrique Akamine, trưởng bộ phận nghiên cứu mặt hàng đường tại công ty nghiên cứu Tropical Research Services, nhận định trong báo cáo.
Giá đường tăng vọt cùng với đà tăng giá của nhiều loại nông sản khác như cà phê và cacao khiến ngành hàng đồ uống và đồ ăn chịu áp lực.
Biến động giá ngành nông sản cũng diễn ra trong bối cảnh các công ty sản xuất hàng tiêu dùng đang vật lộn để thu hút khách hàng trở lại với các thương hiệu cao cấp, sau giai đoạn dài lạm phát cao và suy giảm sức mua.
Thời tiết tại Brazil được dự báo sẽ vẫn khô hạn trong 6-10 ngày tới, dù có khả năng mưa nhẹ tại một số khu vực phía Nam.
Tổ chức Đường quốc tế (ISO) vào ngày 30/8 đã dự báo mức thâm hụt đường toàn cầu giai đoạn 2024-2025 là 3,58 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với mức thâm hụt ước tính là 200.000 tấn giai đoạn 2023-2024.