Theo CNN, Seven & I Holdings - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven có trụ sở tại Nhật Bản - đã tiết lộ sẽ đóng 444 cửa hàng 7-Eleven do doanh số bán hàng chậm lại, lượng khách giảm, áp lực lạm phát và lượng người mua thuốc lá giảm.
Hiện chuỗi cửa hàng này có hơn 13.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ, Canada và Mexico, do đó việc đóng cửa này chỉ chiếm 3% tổng số chi nhánh.
Trong báo cáo tài chính, Seven & I thừa nhận nền kinh tế Bắc Mỹ nhìn chung vẫn phát triển mạnh nhưng người tiêu dùng có xu hướng hạn chế chi tiêu do lạm phát dai dẳng, lãi suất cao còn cơ hội việc làm thì xấu đi.
Những yếu tố trên đã khiến lượng khách đến 7-Eleven giảm 7,3% vào tháng 8, đánh dấu 6 tháng giảm lưu lượng khách liên tiếp. Chuỗi cửa hàng này cũng chỉ ra rằng doanh số bán thuốc lá - vốn từng là mặt hàng bán chạy nhất tại các cửa hàng tiện lợi, đã giảm 26% kể từ năm 2019.
7-Eleven cho biết doanh nghiệp liên tục xem xét và tối ưu hóa danh mục đầu tư và các cửa hàng đóng cửa là một phần trong chiến lược tăng trưởng. Ngược lại, chuỗi cửa hàng này tiếp tục "mở các cửa hàng ở những khu vực mà khách hàng đang tìm kiếm sự tiện lợi hơn".
Mới đây, Couche-Tard (chủ chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K) đã gửi cho Seven & I Holdings một mức giá mua lại tiềm năng mới là 18,19 USD/cổ phiếu vào tháng trước, định giá nhà bán lẻ Nhật Bản này ở mức 7.000 tỷ yên. Đề xuất này cao hơn 20% so với mức giá chào mua trước đó và giá cổ phiếu hiện tại của công ty Nhật Bản, theo Bloomberg.
Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một công ty Nhật Bản có quy mô như Seven & O bị mua lại bởi một doanh nghiệp nước ngoài. 7-Eleven hiện là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới với 85.000 cửa hàng tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chủ sở hữu của các cửa hàng 7-Eleven đã từ chối mức giá đầu tiên là 14,86 USD/cổ phiếu do nhà bán lẻ Canada gửi vào tháng 8. Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng mức giá này không phản ánh đầy đủ giá trị của Seven & I và không đủ cao để tham gia đàm phán.