Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Tiêu Dùng

Sau 10 năm tìm đường, cửa hàng tiện lợi đang quay lại với chiến lược bài bản hơn

Phương Dung
Phương Dung

Việc tham gia của nhiều thương hiệu cũng tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt cho mô hình cửa hàng tiện lợi do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực, loại hình sản phẩm giới hạn, chi phí đầu tư thuê mặt bằng cao.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TPHCM, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều trong đó dân số trẻ trí thức và xu hướng sống tự lập chiếm tỷ trọng lớn. Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển.

Đáng lưu ý, với chính sách mở cửa cho ngành bán lẻ từ năm 2009, thi trường Việt Nam trở thành môi trường màu mỡ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo khảo sát người tiêu dùng của Savills tại Tp.HCM năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn rất nhiều mức 4% vào năm 2015.

Sau một thời gian phát triển khá cầm chừng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể, với sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu trong nước lẫn quốc tế. Xét về thực chất, cửa hàng tiện lợi không phải là nhân tố mới xuất hiện của thị trường bán lẻ Việt Nam, khi cách đây chừng 1 thập niên, đã có những chuỗi cửa hàng tiện lợi nội địa ra đời.

"Thế nhưng, nguyên nhân khiến mô hình này chưa thành công vào thời kỳ đầu khá đa dạng, một trong số đó là giá thành cũng như ý niệm: “liệu sự tiện lợi có đáng để bỏ tiền?" Tuy nhiên, sau gần 10 năm tìm đường, trào lưu này đã quay lạị với những diện mạo và chiến lược bài bản hơn từ những thương hiệu quốc tế cũng như sự gia nhập của các đơn vị nội địa", bà Trang cho biết.

Theo bà Trang, riêng tại TP.HCM, các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 địa điểm tại TP.HCM như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart… đang dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Sự đổ bộ của 7Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này.

Tuy nhiên, thách thức dành cho những “người mới” này cũng đến từ sự thông thuộc thị trường của các đối thủ từ nội đến ngoại, vốn đã có nhiều kinh nghiệm và bài học đáng kể trong thời gian dài. Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020 tại Việt Nam còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027). Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần; như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam, Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Bà Trang cho rằng, việc tham gia của nhiều thương hiệu cũng tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt cho mô hình này do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực, loại hình sản phẩm giới hạn, chi phí đầu tư thuê mặt bằng cao. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn nắm bắt tốt hành vi tiêu dùng tại đây cũng như xác định thị trường mục tiêu rõ ràng.

Phương Dung