Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Tiêu Dùng

Cherry VIP sang chảnh giá triệu bạc, tuần vẫn bán vài trăm kg cho đại gia

Thế Hưng
Thế Hưng

Quả cherry không còn xa lạ gì với người Việt, nhưng cherry VIP giá cả triệu bạc một kg thì không phải ai cũng dám mua.

Dạo quanh một vòng trên các trang mạng xã hội tìm kiếm về Cherry VIP, có thể cho hàng nghìn kết quả tìm kiếm. Nhưng giá thì khá rẻ, chỉ khoảng 280.000 đồng/kg cho loại size nhỏ nhất và khoảng 350.000 đồng/kg cho loại lớn nhất.

Mỗi người bán một giá, và thường khẳng định là Cherry Úc, Mỹ. Tuy nhiên, nguồn gốc này thì khó có thể kiểm chứng được.

Chị Lê Trang (Linh Đàm, Hà Nội) có bố mẹ đang sinh sống bên Nga nên thường xuyên gửi cherry về cho chị Trang ăn và bán để có thêm thu nhập. Chị Trang cho biết: “Hàng đi trực tiếp về chứ không phải mua theo container, đảm bảo tươi ngon, rẻ mà cũng đã 500.000 đồng/kg.”

“Nhiều hàng trôi nổi trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc đang bán quá rẻ. Vì ở Nga, giá gốc cũng đã 280.000 - 290.000 đồng/kg, chưa kể phí vận chuyển”, chị Trang cho biết thêm.

Có nhu cầu đi biếu nhưng không tìm ra nguồn hàng có nhu cầu đảm bảo trên mạng, chị Nguyễn Hải Anh (Khương Trung, Hà Nội) đã phải dò hỏi khá nhiều bạn bè mới tìm được mối để mua cherry VIP.

Chị Hải Anh cho biết: “Gọi là cherry VIP là bởi, đây là hàng tươi nguyên lá, nguyên cành. Quả rất to, ngọt, màu và mẫu mã đều đẹp. Cherry được vận chuyển trực tiếp qua máy bay về.”

“Hàng này đặt thứ 2 thì thứ 4 sẽ có, mất thời gian một chút nhưng yên tâm. Mấy chị bạn đại gia của tôi đều mua kiểu này về ăn chứ không dám mua hàng trôi nổi, hàng cấp đông vận chuyển container về”, chị Hải Anh cho biết thêm.

Cũng phải qua chị Hải Anh, PV mới tìm tới được một mối buôn cherry VIP. Vì loại hàng này không nhiều người bán. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ 1 tuần của mối buôn này không hề nhỏ, lên tới 200 - 300 kg/tuần, tương đương với khoảng 1.000 kg/tháng.

Hỏi ra mới biết, nhu cầu về loại hàng xa xỉ này không hề nhỏ, vì theo anh Nguyễn Tuấn Vũ (Trần Đăng Ninh, Hà Nội): “Đối tượng khách hàng có điều kiện hay vẫn gọi là đại gia có nhu cầu sử dụng hoa quả tươi, ngon là cực nhiều. Họ sẵn sàng chi tiền để mua, miễn sao ăn ngon và vừa ý là được.”

“Thậm chí, mỗi lần đặt hàng, khách toàn lấy 2 thùng, tương đương với 10 kg. Thanh toán chuyển khoản một lúc cả chục triệu đồng. Vì hàng VIP nên không bao giờ tôi có hàng sẵn, vì chỉ cần nhập về để vài hôm không bán được thì đã mất nửa giá”, anh Vũ nói.

Loại cherry VIP này đắt hơn vì độ tươi của nó. Do đó, cuống chỉ cần không xanh, hoặc hơi có dấu hiệu héo là khách của anh Vũ đã từ chối nhận hàng.

Ngoài ra, loại hàng này chỉ hái 2 - 3 ngày là đã được vận chuyển về Việt Nam. Anh Vũ cho biết: “Ngày trước còn gửi được tiếp viên xách về, nhưng giờ không làm như vậy được thì phải trực tiếp với các hãng hàng không để gửi đường bay về hàng ngày.”

“Cherry bắt đầu vào mùa từ tháng 6 và đến tháng 9 là hết, nên thời điểm này khách đặt rất nhiều. Trung bình lượng khách trong tuần dao động từ 15 - 20 khách. Khách quen thường chỉ gọi điện báo số thùng và không hỏi giá. Mặc dù giá hoa quả hay biến động, nhưng cứ từ hơn 800.000 - 1.000.000 đồng là khách thanh toán luôn mà chẳng cần hỏi”, anh Vũ nói.

Nghe có thì tưởng dễ làm, nhưng anh Vũ than: “Vì toàn bán cho khách VIP nên hàng lúc nào cũng phải đúng hẹn, trễ hẹn thì tự động có ưu đãi bù lại. Quả mà không tươi ngon, khách trả về nhiều khi cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để giữ quan hệ lâu dài.”

“Tuy không phải nghề chính là buôn bán hoa quả, nhưng ngoài việc kinh doanh ra thì các mối quan hệ đó còn nhiều chuyện lâu dài. Bán hàng này thuận lợi thì lãi, nhưng rủi ro có thì có khi phải bán cắt lỗ, hoặc không mang ra mà ăn thay cơm”, anh Vũ ví von.

Đời sống ngày càng cao, người Việt đã qua thời “ăn no, mặc ấm” mà chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp”. Mỗi người có mức thu nhập khác nhau lại có cách tiêu tiền khác nhau để thỏa mãn nhu cầu và sở thích riêng, thậm chí là những xa xỉ phẩm còn đắt đỏ hơn cả cherry VIP.

Tin liên quan
Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 20 năm qua

Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 20 năm qua

Giá đường tăng vọt do hỏa hoạn và hạn hán tàn phá các cánh đồng mía tại Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Điều này đã đẩy chi phí sản xuất kẹo và đồ ngọt tăng cao.