Fica
  1. Doanh nghiệp

  2. Tiêu Dùng

Bí ẩn bánh trung thu Trung Quốc siêu rẻ 2000 đồng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sau khi được rao bán ở Hà Nội, bánh trung thu Trung Quốc đã bắt đầu thâm nhập thị trường TPHCM và nhắm đến đối tượng trẻ em.

Với mỗi mùa trung thu đến, nhu cầu cung cấp bánh cho thị trường ngày một tăng cao với đủ loại mẫu mã bánh, đủ loại giá cả. Bên cạnh những thương hiệu uy tín lâu năm, bánh trung thu cũng xuất hiện nhiều loại giá rẻ, siêu rẻ, chất lượng của loại bánh này cũng như xuất xứ khiến người tiêu dùng lo ngại.

Hạn sử dụng...vô hạn

Nếu như những năm trước, bánh giá rẻ chỉ xuất hiện ở cuối mùa nhằm đánh vào người mua ít tiền, người lao động ở các cửa ngõ vùng ven thì năm nay, bánh trung thu siêu rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan đã tràn lan ngay từ đầu mùa. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nay loại bánh này đã có mặt ở TP HCM.

“Tôi mới vừa lấy hàng hôm qua, loại bánh này mua về có thể bán cho trẻ em cũng rất được ưa chuộng, bánh nhỏ hấp dẫn, mua lẻ hay mua sỉ đều có. Anh mua về bán thì tôi lấy anh 3.000 đồng/cái, anh về bán lại 5.000 một cái”, một chủ cửa hàng bán bánh kẹo ở khu C2 chợ Bình Tây , quận 6, TP HCM vừa nói vừa chỉ vào lô hàng bánh trung thu nhỏ phía trước.

Theo bà chủ cửa hàng này, bánh trung thu nhỏ, có xuất xứ từ Đài Loan này ăn khá ngon, có cả bánh thập cẩm, các loại nhân khác, có một ít trứng trong bánh, mùi vị cũng thơm ngon. Tuy nhiên, khi bóc bánh ăn thử, bánh không được ngon như giới thiệu, thậm chí không có mùi vị gì.

Thắc mắc một chút về thời hạn sử dụng, người bán nhanh tay chỉ vào dãy số được in trên bao bì thể hiện ngày sản xuất là 1/8/2018. “Anh cứ yên tâm, hạn sử dụng mấy tháng lận, tối thiểu là 3 tháng từ ngày sản xuất, ở đây có bịch lớn, anh mua luôn tôi giảm thêm chút cho”, bà chủ cửa hàng tiếp thị tiếp.

Quan sát kỹ trên bao bì loại bánh này, chỉ toàn thấy chữ Trung Quốc, không hề có một chút thông tin nào có tiếng Việt để người tiêu dùng có thể biết về xuất xứ hay loại bánh gì, thành phần bên trong như thế nào.

Không chỉ xuất hiện ở các chợ, hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người bán online cũng đăng sản phẩm này bán tràn lan.

“Bánh trung thu Đài Loan, cho tết đoàn viên thêm đủ đầy. Bánh bé bé xinh xinh 40 gr, với lớp vỏ mềm và thơm ngon kèm theo vị nhân hạt sen bên trong ngọt ngọt thanh thanh, giá bán lẻ 60.000/10 cái, hạn sử dụng được 4 tháng”, một người bán online đăng dòng trạng thái câu kéo khách.

Bánh trung thu giá rẻ xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc được rao bán trên mạng xã hội.

Thậm chí hiện bánh trung thu còn được bán theo cân, chỉ 70-90.000 đồng/kg. Chúng được đóng gói trong túi nilon có in các dòng chữ giản thể Trung Quốc. Vỏ bánh không có hạn sử dụng mà chỉ có thời gian sản xuất.

Theo lời quảng cáo của tiểu thương, đây đều là bánh nội địa Trung Quốc, kích thước nhỏ, với khoảng 6-7 vị bánh như dâu, đào, dưa gang, dứa, trứng muối.Vì nhập được số lượng lớn tại các xưởng nên bánh có mức giá rẻ đến vậy.

Khi được hỏi về nguồn gốc bánh có đảm bảo hay không, tiểu thương kinh doanh mặt hàng này đều cam kết miệng và liên tục khẳng định bánh ngon, an toàn.

Mặc dù có mức giá rẻ và được ưa chuộng song cũng không ít khách hàng bán tin, bán nghi về loại bánh này, đặc biệt là về xuất xứ và hạn sử dụng của bánh lên tới 4-6 tháng theo lời quảng cáo của tiểu thương. Hơn nữai bánh trung thu ở Việt Nam thì hạn sử dụng thường từ 1-1,5 tháng

Với các loại bánh giá rẻ này, người tiêu dùng có quyền đặt nghi vấn về chất lượng cũng như khâu kiểm soát của cơ quan chức năng. Đặc biệt, với loại nhỏ, thì người bán luôn nhắm đến đối tượng trẻ em, sẽ rất nguy hiểm nếu các thành phần cấu tạo nên bánh và chất lượng bị thả nối như hiện nay.

Một số doanh nghiệp Việt cũng không thể giải thích nổi tại sao bánh Trung Quốc lại có thể rẻ như vậy!

Bánh trung thu trong bao tải

Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội vừa bắt giữ hơn 10.000 bánh trung thu mini nhập lậu (mini Đài Loan), giá chỉ từ 2.000-3.000/cái tại một cửa hàng nông sản ở La Phú , huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Các sản phẩm bị thu giữ, gồm bánh nướng, bánh dẻo, bánh trứng… Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Hàng còn đựng trong các bao tải, không có thông tin về hạn sử dụng.

Trao đổi với Báo Pháp luật TP HCM , ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường Bộ Công thương khẳng định lực lượng quản lý thị trường năm nào cũng thường xuyên kiểm tra, đặc biệt là những ngày tết như dịp trung thu.

“Chúng tôi sẽ ra quân phối hợp với các cơ quan y tế, cơ quan chuyên ngành để kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các loại bánh nướng, bánh dẻo trung thu. Quản lý thị trường đang làm quyết liệt”, ông Trần Hùng nói.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng chưa có lý do gì để nói bánh trung thu Đài Loan hay Trung Quốc chất lượng kém. “Chúng ta phải đặt về góc độ quản lý, bao nhiêu tấn bánh nhập mà chưa có ai nói an toàn hay không an toàn, thế nên việc quản lý cần đặt ra, cơ quan nào kiểm tra cái này…”, ông Thịnh nói.

Đứng về góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hệ , Giám đốc Công ty TNHH Enjoy Online , đơn vị chuyên phân phối bánh trung thu các thương hiệu thì cho rằng người tiêu dùng có thể nhận biết bánh có chất lượng hay không ngay từ khâu nhìn bao bì.

“Nếu bánh có xuất xứ đàng hoàng và được đơn vị phân phối qua đường chính ngạch bởi một đơn vị ở Việt Nam thì sẽ có tem phụ, ghi bằng Tiếng Việt giúp người tiêu dùng biết được nhà sản xuất, các thành phần bánh”, ông Hệ phân tích.

Ngoài ra, theo ông Hệ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng các biện pháp đơn giản như bóp nhẹ bao nylon đựng bánh để xem không khí bên trong có đảm bảo không, nếu bao căng phồng thì chất lượng đóng gói và bảo quản của banh sẽ tốt.

Tất nhiên, ngoài những vấn đề về mặt cảm quan, rất cần có cơ quan chức năng kiểm tra, khẳng định chất lượng bánh trung thu Đài Loan – Trung Quốc này có đảm bảo không.

Các loại bánh trung thu giá 2.500-3.000 đồng/cái được với bao bì toàn tiếng Trung Quốc. Loại bánh này thường được bán theo thùng hoặc theo kg, mua càng nhiều thì giá càng rẻ.

 

Theo Kiên Cường
Pháp luật TPHCM

Tin liên quan
Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 20 năm qua

Giá đường tăng mạnh nhất trong gần 20 năm qua

Giá đường tăng vọt do hỏa hoạn và hạn hán tàn phá các cánh đồng mía tại Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Điều này đã đẩy chi phí sản xuất kẹo và đồ ngọt tăng cao.