Fica
  1. Chứng Khoán

Cổ phiếu các đại gia thép "nổ" giao dịch sau tin tức từ Trung Quốc

Mai Chi
Mai Chi

Cổ phiếu ngành thép gây chú ý với giao dịch sôi động và tăng giá tốt. “Ông lớn” HPG tăng 1,7% và được khớp lệnh “khủng” gần 31 triệu cổ phiếu.

Với phần lớn cổ phiếu tăng giá, các chỉ số trong phiên giao dịch sáng nay (25/9) có diễn biến khá tích cực. VN-Index tăng 10,36 điểm tương ứng 0,81% lên 1.287,35 điểm, đang áp sát mốc 1.290 điểm. VN30-Index tăng 11,32 điểm tương ứng 0,85%; HNX-Index tăng 1,35 điểm tương ứng 0,58%. Thị trường UPCoM mặc dù có 135 mã tăng, 95 mã giảm nhưng UPCoM-Index lại điều chỉnh 0,4 điểm tương ứng 0,43%.

Thanh khoản HoSE cải thiện đáng kể lên 515,67 triệu cổ phiếu tương ứng 11.630,84 tỷ đồng; HNX có 39,91 triệu cổ phiếu tương ứng 804,68 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 23,38 triệu cổ phiếu tương ứng 290,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu các đại gia thép "nổ" giao dịch sau tin tức từ Trung Quốc - 1
Thanh khoản cải thiện trong phiên sáng nay với sự bùng nổ giao dịch tại cổ phiếu thép (Ảnh minh họa: Hải Long).

Ngành ngân hàng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt chỉ số. MSB tăng 3%, khớp lệnh 16 triệu đơn vị; BID tăng 1,9%; SSB tăng 1,8%; MBB tăng 1,6% với khớp lệnh 21,4 triệu đơn vị; VCB tăng 1,6%; VPB tăng 1,6% với khớp lệnh 25,7 triệu đơn vị; TCB tăng 1,5% với khớp lệnh 14,1 triệu đơn vị.

Sắc xanh đang bao phủ ngành dịch vụ tài chính. Theo đó, EVF có thời điểm tăng trần trước khi hạ độ cao, tăng 5,6%; HCM tăng 3,3%; VIX tăng 3,1%; BCG và SSI tăng 3%; CTS tăng 2,7%; VCI tăng 2,6%; AGR tăng 2,4%, FTS tăng 2,4%; VDS tăng 2,3%...

Phần lớn cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng có sự vận động tích cực. SC5 tăng trần; NAV tăng 4%; CII tăng 2,6%; KPF tăng 1,7%; HT1, NHA, FCN, TCD, VCG, C47, LCG, PC1, HHV đều tăng giá.

Cổ phiếu ngành thép gây chú ý với giao dịch sôi động và tăng giá tốt. “Ông lớn” HPG tăng 1,7% và được khớp lệnh “khủng” gần 31 triệu cổ phiếu. HSG tăng 3% với khớp lệnh đạt 15,9 triệu đơn vị. SMC tăng 2,1%; TLH cũng tăng 1,5%. Cổ phiếu TIS trên UPCoM cũng tăng 7,5%.

Nhóm thép “nổ” giao dịch sau khi Trung Quốc công bố một loạt biện pháp kích thích mới để hỗ trợ thị trường nhà ở và chứng khoán. Đáng chú ý nhất là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các ngân hàng thương mại và giảm lãi suất chính sách.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ hạ RRR ở các ngân hàng thương mại và lãi suất đối với các khoản vay mua nhà thế chấp hiện tại 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, PBoC sẽ giảm tỷ lệ trả trước đối với người vay thế chấp mua căn nhà thứ hai từ 25% xuống 15% giá trị căn nhà.

Những chính sách này được cho là sẽ hỗ trợ phục hồi của nền kinh tế tỷ dân, từ đó giúp giá thép tăng trở lại. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng kỳ vọng giá thép xây dựng và HRC Việt Nam sẽ có mức hồi phục tích cực kể từ quý IV khi áp lực từ Trung Quốc được giảm bớt.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS dự báo, giá thép Trung Quốc có thể phục hồi chủ yếu do nguồn cung thắt chặt kể từ quý IV. Chính phủ Trung Quốc hạn chế cấp phép các lò luyện thép sử dụng than năm 2024 hướng tới bảo vệ môi trường và giảm thiểu nguồn cung.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão Benica (cơn bão mạnh nhất được ghi nhận trong 70 năm qua) đã phá hủy một số dự án cơ sở hạ tầng tại Thượng Hải và Giang Tô nên nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ tăng trong ngắn hạn nhờ tiêu thụ thép cho kế hoạch tái thiết nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Tại Việt Nam, tiềm năng của ngành thép đến từ triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã thúc đẩy sự phục hồi của thép xây dựng.