Fica
  1. Thời sự

  2. Vĩ Mô

Vì sao Việt Nam được nâng hạng quyền lực mềm toàn cầu?

Nguyễn Mạnh
Nguyễn Mạnh

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã đề cập đến một số lý do giúp Việt Nam được nâng hạng trong bảng xếp hàng quyền lực mềm toàn cầu.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.

Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu

Nhân dịp này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã trao đổi với phóng viên về một số thành tựu đạt được.

 Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng bứt phá. Xin ông cho biết “quyền lực mềm” đóng vai trò như thế nào đối với tăng trưởng GDP và những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong khu vực và trên thế giới?

Quyền lực mềm Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có (như lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu) mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới. Năm 2020, thực hiện thành công vai trò kép Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh muôn vàn khó khăn là một minh chứng về vận dụng hài hòa sức mạnh mềm trong đa phương – song phương của Việt Nam.  

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. 

Thương hiệu quốc gia là một công cụ cần thiết để nâng tầm vị thế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Xin Ông cho biết Việt Nam đã đưa Thương hiệu quốc gia ra thị trường thế giới như thế nào?

Trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng. 

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu đối với một quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. 

Ông cho biết đại dịch COVID -19 đã tác động như thế nào đến các mối quan hệ của Việt Nam trên thế giới, gây ra những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với quyền lực mềm của Việt Nam?

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường gây ra nhiều tác động toàn diện, sâu rộng, đẩy nhiều quốc gia vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam nhằm khống chế đại dịch, Việt Nam cũng trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp Việt Nam thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế. Không những thế, Việt Nam đã thành công khi biến thách thức của đại dịch COVID-19 trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh các sản phẩm Việt Nam và thương hiệu quốc gia Việt Nam. 

Mục tiêu của Việt Nam nhằm nâng cao quyền lực mềm trong 10 năm tới như thế nào? 

Trong thời gian tới để xây dựng và phát huy sức mạnh mềm của mình, trước hết, Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Thứ hai, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo; từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ ba, tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị đa dạng và phong phú của văn hóa Việt. Thứ tư, cần chú trọng, đẩy mạnh công tác ngoại giao, khẳng định vai trò “nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải” trong các vấn đề then chốt của khu vực và quốc tế. Thứ năm, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học và công nghệ. 

Bên cạnh việc xây dựng, phát huy “sức mạnh mềm”, Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đó chính là “sức mạnh thông minh” trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!