Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (TCTK), năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ áp lực lạm phát giảm dần, nhu cầu hàng hóa tăng trở lại.
Trong bối cảnh đó, với các chính sách đồng bộ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng khá cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế năm 2024.
TCTK dự báo về xuất khẩu trong tháng cuối cùng của năm 2024 còn nhiều khó khăn, rủi ro từ các yếu tố khách quan nhưng xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang nỗ lực về đích đồng thời hướng tới những kỷ lục mới.
Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.
Sau nhiều tháng liên tục tăng cao trên 10% so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 3, trong đó có những tháng tăng cao trên 20% (tháng 3 tăng 11,3%, tháng 4 tăng 15,1%, tháng 5 tăng 20,3%, tháng 6 tăng 17,9%, tháng 7 tăng 22,5%, tháng 8 tăng 16,3%, tháng 9 tăng 10%, tháng 10 tăng 11,8%) thì đến tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu chỉ còn tăng 9% so với cùng kỳ.
Theo quan thống kê, thực tế này cho thấy những khó khăn nhất định trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam và là thách thức không nhỏ để có thể về đích với những kỷ lục mới.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nhập khẩu, nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, nhập khẩu hàng tiêu dùng chiếm 6,3%. Nhập khẩu tăng hơn xuất khẩu cho thấy doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhập khẩu để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong tháng 12/2024 và những tháng đầu năm 2025.
Trong 11 tháng năm nay có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). Đồng thời, 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Nhiều mặt hàng đã “về đích” sớm với kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng vượt mức cả năm 2023.
Về xuất khẩu, đáng chú ý là tất cả mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn đều đã vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023: Thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, vượt 2,2% so với cả năm 2023; rau quả đạt 6,6 tỷ USD, vượt 18,2%; gạo đạt 5,3 tỷ USD, vượt 13,4%; cà phê đạt 4,9 tỷ USD, vượt 16,3%; hạt điều đạt 4 tỷ USD, vượt 9,2%; hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD, vượt 33,7%; chè đạt 235 triệu USD, vượt 12,9%.
Trong số các mặt hàng xuất, nhập khẩu năm nay, nổi bật lên là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 163 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đã đạt 97,7 tỷ USD.
TCTK đánh giá, mặt hàng này chắc chắn sẽ là mặt hàng đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên 100 tỷ USD. Nhập siêu mặt hàng này cũng khá lớn, đạt 32,5 tỷ USD trong 11 tháng. Mặt hàng dẫn đầu về xuất siêu là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 41 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý nữa trong 11 tháng là tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt mức 369,93 tỷ USD, vượt qua kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 là 354,72 tỷ USD và chỉ kém mức kỷ lục năm 2022 gần 2 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,72 tỷ USD).
“Đến thời điểm này, có thể khẳng định kim ngạch xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt kỷ lục mới là vượt mức 400 tỷ USD” – theo cơ quan thống kê.
Nền kinh tế nước ta đã mất nhiều năm để vượt mốc xuất khẩu 100 tỷ USD vào năm 2012, sau đó thêm 5 năm để vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2017 và 4 năm để vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2021. Tiếp theo, chỉ sau 3 năm kim ngạch xuất khẩu lại tăng thêm 100 tỷ USD, đạt mốc 400 tỷ USD. TCTK nhìn nhận, năm nay có thể coi là một cột mốc đáng ghi nhận cho những nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam.