Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. Các cân đối lớn được bảo đảm: thu ngân sách 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch XNK đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm, cơ bản cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và công nghiệp tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Những thách thức phía trước
Khi nền kinh tế thế giới năm 2023 được hầu hết các Tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu v.v có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.
Trên thực tế, FED quyết liệt theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ với kế hoạch tăng thêm khoảng 150 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong vòng 6 tháng tới.
NHNN đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, có hiệu lực từ ngày 17 tháng 10. Ngay sau động thái đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng lên 24.320 đồng (+6,5% so với đầu năm), có thể thấy rằng tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực do NHNN có ít dư địa hỗ trợ tỷ giá hơn trước nếu đồng USD mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022 (dự trữ ngoại hối giảm còn khoảng 89 tỷ USD).
Tăng trưởng xuất, nhập khẩu trước suy thoái kinh tế toàn cầu
Mặc dù Tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước do nhu cầu thấp hơn tại các nước phát triển do chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc trong tháng 9 năm 2022.Ngoài ra nhu cầu tiêu dùng thấp hơn tại Mỹ và châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này (chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2021) những quý tới đây
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm quý IV/2022, dự tính khi nhu cầu mua sắm quay trở lại sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu, và trên thức tế xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn vốn FDI đăng ký tiếp tục suy giảm
Theo thông báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đàu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 64,7% và giảm 8,3%).
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2022 của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Lý do mức giảm vốn FDI trong 10T2022 chủ yếu là do cùng kỳ năm ngoái, khi một số dự án có quy mô lớn đã được ghi nhận , cụ thể là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Long An 1, 2 (LNG) trị giá 3,1 tỷ USD và nhà máy nhiệt điện Omon 2 trị giá 1,3 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang tạm dừng kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu bất ổn, bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lạm phát tăng cao đè nặng lên ví tiền của người tiêu dùng, USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của các thị trường mới nổi và thị trường cận biên và thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu bị thắt chặt do Fed tăng lãi suất.
Đà tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại trong những tháng cuối 2022 và nửa đầu năm 2023
Với những vấn đề về áp lực lạm phát cao hay điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và việc gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Chi tiết hơn là sự đình trệ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã được phản ánh qua số liệu của nền kinh tế số 1 thế giới , khi GDP của Mỹ giảm 0,9% trong Q2/22, đánh dấu 2 quý giảm liên tiếp. Nguyên nhân đến từ thị trường nhà đất lao đao do lãi suất tăng và lạm phát cao khiến đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng bị thu hẹp.
Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống 1,2% vào năm 2023, từ mức dự báo trước đó ở 1,7% và đưa ra quan điểm "khả năng cho một hạ cánh mềm ngày càng khó đạt được". Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như châu Âu và Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong giai đoạn 2022 -2023. IMF cảnh báo trong báo cáo mới nhất của mình rằng tăng trưởng toàn cầu tiếp tục giảm tốc trong năm 2023, trong đó một số quốc gia chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với suy thoái trong năm 2022 hoặc 2023. Theo đó, IMF đã hạ d ự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% từ mức dự báo trước đó ở 3,2%, trong đó tăng trưởng GDP của Khu vực Eurozone năm 2023 giảm xuống 0,5% so với mức 1,2% trước đó.