Fica
  1. Thời sự

  2. Vĩ Mô

Thủ tướng: Xét xử nghiêm sai phạm trong vụ Vũ "Nhôm", Út "Trọc"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, như: vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ "Vũ nhôm”, “Út trọc”… đã được cử tri đồng tình, ủng hộ.


Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV chính thức khai mạc sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV chính thức khai mạc sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV sáng nay 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, điểm nhấn đáng lưu ý là công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch. Cùng với đó, đã ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho nhà nước.

Ngoài ra, nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt. Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp.

"Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm, như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ "Vũ nhôm", "Út trọc"…, được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ", Thủ tướng nêu.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2018, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật.

Chính phủ khẳng định, kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án trọng điểm ở các lĩnh vực; nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân và có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; hệ thống thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đưa chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được vào hệ thống truyền thông, giáo dục đào tạo,…

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét cho ý kiến dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đang khẩn trương hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực hiện các chương trình, kế hoạch thanh tra theo đúng định hướng được duyệt; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật

Trong 6 tháng đầu, đã triển khai 3.827 cuộc thanh tra hành chính và 92.913 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 9.814 tỷ đồng, 32.627 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 7.875 tỷ đồng và 357 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 5.889 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng.

Phương Dung