Fica
  1. Thời sự

  2. Vĩ Mô

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam lớn nhưng rất bấp bênh

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trước việc sức sản xuất nông nghiệp trong nước rất lớn nhưng lệ thuộc nhiều vào thị trường và bấp bênh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong điều kiện thị trường mất cân xứng, “triệu người bán, vạn người mua”, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt.

Ngày 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội nghị về phát triển HTX, liên hiệp HTX

Hội nghị về phát triển HTX, liên hiệp HTX

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn nhưng rất lệ thuộc thị trường và thường rất bấp bênh. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, hầu hết nông sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô hoặc trong phân khúc chế biến chuỗi giá trị rất ngắn.

Dẫn chứng về nhận định trên, Bộ trưởng NN&PTNT đề cập tới việc chuỗi cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản xuất nhưng chỉ chiếm 8% chuỗi giá trị toàn cầu. “Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân bao trùm là khâu liên kết trong tổ chức sản xuất, kể cả khâu tổ chức sản xuất, chế biến, làm thị trường rất rời rạc, thiếu nhân tố hợp tác xã nên nông dân chơi vơi, doanh nghiệp cũng chơi vơi” - ông Cường nói.

Đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6% và có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 HTX.

“Kinh tế hộ đã có một thời kỳ “vàng son” và giúp cho nông nghiệp phát triển vượt bậc, nhưng bây giờ sức sống của kinh tế hộ cần có mô hình theo kiểu mới là mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới. Bởi trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, thành lập HTX là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ. Chủ thể vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết HTX với nông dân, các nhà khoa học.

Phó Thủ tướng thăm mô hình trồng rau sạch của một HTX tại Đà Lạt

Phó Thủ tướng thăm mô hình trồng rau sạch của một HTX tại Đà Lạt

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải khắc phục việc buông lỏng, phải tránh chuyện hành chính cưỡng ép, tránh chuyện thành tích, khắc phục tình trạng đưa vào cho đủ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã để xét công nhận nông thôn mới. Vấn đề không phải là có hay không mà hoạt động hiệu quả thế nào, dứt khoát không để chạy theo bệnh hình thức.

Về vấn đề liên kết, Phó Thủ tướng lưu ý, dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ cho nông dân, cần bám sát chương trình mỗi làng một sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. Bên cạnh việc phát triển HTX, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác, đây là nguồn để phát triển lên HTX, đảm bảo cho mục tiêu 15.000 HTX đến năm 2020.

Châu Như Quỳnh

Tin liên quan