Fica
  1. Thời sự

  2. Vĩ Mô

Quốc hội quyết tăng trưởng GDP năm 2019 tối đa 6,8%, CPI 4%

Bài lấy lại
Bài lấy lại

​Sáng 8/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với 447/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,16% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội thống nhất các chỉ tiêu vĩ mô cho năm 2019.

Quốc hội thống nhất các chỉ tiêu vĩ mô cho năm 2019.

Theo nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm sau vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, Quốc hội đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo nghị quyết được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước đó, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng 6,8-7%, ý kiến khác đề nghị nên giữ như năm 2018 từ 6,5-6,7%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội, ông Thanh nói.

Liên quan đến CPI, báo cáo giải trình cho biết, một số ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu CPI dưới 4%, có ý kiến đề nghị dưới 4,1%, không ghi "khoảng 4%".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.

Do vậy, chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019, Quốc hội yêu cầu tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Nghị quyết cũng yêu cầu điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng, tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin.

Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước, nghị quyết nêu.

Quốc hội yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.

Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ.

Đồng thời, cần tập trung cho năm sau còn là tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh. Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn; Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường giám sát xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

Phương Dung