Dự án Lọc dầu Nghi Sơn tiếp sức cho sản xuất công nghiệp tháng 7 |
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật của nền kinh tế trong tháng 7 vừa qua, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, trong tháng này ghi nhận 2 dấu ấn nổi bật trong ngành dầu khí. Thứ nhất là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và thứ hai là ngành khai thác dầu khí đạt tăng trưởng dương sau 4 tháng âm liên tiếp.
Với việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành từ tháng 6, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có thêm một động lực thúc đẩy mới. Dự án này được cấp phép từ năm 2008 là liên doanh giữa PetroVietnam với 3 đối tác nước ngoài từ Nhật và Quatar trong đó phía PetroVietnam nắm 25% cổ phần.
Đây là một dự án mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành công nghiệp với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, cao hơn so với Dung Quất là 6,5 triệu tấn. Tuy vậy hiệu quả thực sự của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đang là dấu hỏi lớn vì các điều khoản bù lỗ của PetroVietnam cũng như các ưu đãi quá đặc biệt dành cho dự án.
Một điểm có thể coi là tích cực với ngành dầu khí là giá dầu đang ổn định ở mức cao, trong khoảng 65-70 USD/thùng, cao hơn so với kế hoạch và dự báo của Bộ tài chính cũng như của Bộ KHĐT. Giá trị sản xuất của ngành dầu khí vì vậy có tăng trưởng cao dù sản lượng giảm nhẹ.
Trong khi đó, điện thoại và chỉ số công nghiệp điện tử tiếp tục giảm tốc. Sản lượng điện thoại di động sản xuất trong tháng 7 là 14,9 triệu chiếc, mức thấp nhất 17 tháng. Điều này khiến cho chỉ số công nghiệp điện tử tháng 7 tăng thấp 12,2%, kéo tổng 7 tháng xuống 16,4%, thấp nhất 12 tháng.
Tăng trưởng công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, thủ phủ của Samsung vào tháng 7 giảm xuống 19,5% trong khi quý I và cả năm 2017 đạt lần lượt 38% và 37,2%. Cũng trong tháng 7, chỉ số lao động của Bắc Ninh giảm 3,2%.
Với đà nhập khẩu linh kiện điện thoại đang giảm sâu, SSI cho rằng, nhiều khả năng tăng trưởng ngành công nghiệp điện thoại, điện tử sẽ còn thấp hơn trong những tháng tới.
Chỉ số bán lẻ tháng 7 tăng 8,4%, nhỉnh hơn so với tháng 6 là 8,3% (đã loại trừ yếu tố lạm phát). Chỉ số bán lẻ có xu hướng đi ngang từ đầu năm cho dù chỉ số lao động ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng khách du lịch quốc tế đều đang giảm.
Trong khi đó, theo SSI, Trung Quốc, thị trường lớn nhất của gạo, thủy sản và rau quả Việt nam đang giảm dần nhập khẩu, đây có thể coi là nguyên nhân chính gây ra sự giảm tốc cả về giá lẫn giá trị xuất khẩu nông thủy sản trong tháng 7.
Với việc đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá mạnh và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại do chiến tranh thương mại, nhiều khả năng xuất khẩu nông thủy sản của Việt nam sẽ còn giảm sút nếu không tìm được hướng đi mới.
Tóm lại từ các số liệu tháng 7, mặc dù đã có một số tín hiệu mới tích cực từ ngành công nghiệp, theo nhận xét của SSI, tăng trưởng nhìn chung vẫn chưa có được sức bật để đảo chiều xu hướng chậm dần đều tính từ đầu năm.
Chiến tranh thương mại sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam. Trong các ảnh hưởng gián tiếp, đồng CNY mất giá và nhu cầu giảm của Trung Quốc sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt nam trong những tháng tới. Đây là nhân tố mới cần được theo dõi chặt chẽ để có những phương án ứng phó kịp thời.
Bích Diệp