Đây là kết quả của khảo sát HSBC Navigator được thực hiện vào mùa thu năm 2018 đối với hơn 8.500 doanh nghiệp tại 34 thị trường. Ở khu vực Đông Nam Á, khảo sát đã tổng hợp hơn 1.000 ý kiến của các doanh nghiệp tại năm quốc gia ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam).
Các DN ASEAN đang dẫn đầu thế giới về lạc quan kinh doanh |
Dù chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, triển vọng kinh doanh của ASEAN vẫn tích cực
ASEAN là một trong những khu vực có quan điểm tích cực nhất đối với các hoạt động kinh doanh và thương mại, dù cho đây cũng là nơi có tỷ lệ cao nhất các doanh nghiệp nghĩ rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng.
Báo cáo cho thấy, có tới 86% các doanh nghiệp ASEAN lạc quan về viễn cảnh của công ty trong thương mại quốc tế - tỷ lệ này cao hơn các khối thương mại khác và cao hơn tỷ lệ trung bình 77% của toàn cầu.
75% các doanh nghiệp ASEAN tin rằng các chính phủ đang gia tăng biện pháp bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của họ - tỷ lệ cao nhất ghi nhận được tại tất cả các khối thương mại, và cao hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình 63% của toàn cầu.
Nhận định về kết quả này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, cho rằng: “Các công ty ASEAN đang lạc quan về triển vọng kinh doanh của họ, nhưng vẫn cẩn trọng đối với sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Mặt tích cực là chúng ta có thể thấy căng thẳng thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất tới các nước ASEAN có chi phí thấp hơn. Những quốc gia có sẵn năng lực sản xuất như Philippines và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này và từ việc chuyển hướng thương mại.”
Chuỗi cung ứng ASEAN có khả năng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại
Khảo sát HSBC Navigator nhấn mạnh rằng, cho đến hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đang ở vị trí trung tâm của các chính sách bảo hộ thương mại, tuy nhiên, khối ASEAN có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp do khu vực này có lượng xuất khẩu lớn đến cả hai quốc gia trên.
Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra rằng các hàng rào thuế quan sẽ mở ra cơ hội cho các thị trường ASEAN trong lĩnh vực điện tử, dệt may và ô tô.
Nguồn: HSBC |
Các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Malaysia đã có sẵn mạng lưới sản xuất hàng điện tử, đặc biệt là các dây chuyền lắp ráp ổ cứng (HDD). Thái Lan đang xuất khẩu sang Mỹ một lượng sản phẩm hoàn thiện bằng với Trung Quốc, điều này khiến cho việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất về Thái Lan dễ dàng hơn, nhất là khi ổ cứng Trung Quốc xuất sang Mỹ hiện phải chịu ít nhất 10% thuế của Mỹ.1
Các thành viên khác trong khối như Singapore, Philippines và Việt Nam cũng sản xuất rất nhiều linh kiện điện tử2, trong khi Việt Nam và Indonesia ngày càng cạnh tranh hơn trong ngành công nghiệp nhẹ và xuất khẩu hàng dệt may.3
Trong ngành dệt may, sản lượng xuất khẩu phụ kiện và sản phẩm dệt may của Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam tăng gần gấp ba, từ 24,4 tỷ đô la Mỹ năm 2001 lên 71,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2014. Năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may đạt 42 tỷ đô la Mỹ. Indonesia, một thành viên khác của ASEAN, xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ.4
Theo ông Hải, “Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả Trung Quốc và Mỹ. Trong khi một số ngành công nghiệp của Việt Nam như dệt may và may mặc, có thể được hưởng lợi thông qua sự chuyển dịch nhu cầu khỏi Trung Quốc, các ngành công nghiệp khác, như máy móc và thép, có thể đối mặt với rủi ro”.
Tăng cường công nghệ cho chuỗi cung ứng
Với khả năng gia tăng sản xuất trong chuỗi cung ứng ASEAN, công nghệ sẽ là yếu tố quan trọng giúp quản lý cải thiện năng suất. Dường như đây chính là trọng tâm của nhiều doanh nghiệp ASEAN.
Theo khảo sát HSBC Navigator, 37% đối tượng khảo sát tại ASEAN tập trung vào việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số trong kinh doanh (so với tỷ lệ 28% trên toàn cầu). Hơn nữa, 34% doanh nghiệp ASEAN cho rằng tăng cường ứng dụng công nghệ là thay đổi hàng đầu cho chuỗi cung ứng trong ba năm tiếp theo, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình 27% của toàn cầu.
Ông Hải chia sẻ thêm: “Mặc cho một số lợi ích mà các nền kinh tế thu được, căng thẳng thương mại có thể là tình thế tất cả các bên cùng bất lợi, và các doanh nghiệp ASEAN nên chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Với những doanh nghiệp đang xem xét việc chuyển đổi chuỗi cung ứng của mình, họ cần đánh giá nhiều yếu tố bao gồm cả năng lực địa phương của bên tiếp nhận. Trong đó, công nghệ sẽ là chủ đề xuyên suốt cần xem xét và là chìa khóa để gia tăng tính cạnh tranh và sức hút.”
Mai Chi