Theo đánh giá của các chuyên gia HSBC, kinh tế Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á với mức tăng trưởng sản xuất trung bình năm ở mức hai con số, lĩnh vực dịch vụ cũng đạt tăng trưởng vững chắc.
Trong khi đà tăng trưởng có thể lắng xuống khi cầu đối với hàng Trung Quốc giảm và bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, xuất khẩu được dự báo tăng trưởng nhanh hơn phần lớn các nước trong khu vực. Trong khi đó, kinh tế trong nước tiếp tục hưởng lợi từ du lịch đang phát triển và điều kiện thị trường lao động cải thiện.
Theo kết quả khảo sát HSBC Navigator, các doanh nghiệp Việt Nam có mức độ lạc quan về môi trường thương mại quốc tế cao hơn đáng kể so với trung bình trên toàn cầu, với chín trên mười doanh nghiệp tin rằng triển vọng kinh tế thuận lợi. Điều này phần nào cho thấy các doanh nghiệp tin rằng căng thẳng thương mại leo thang giữ Mỹ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát xem Nhật Bản là thị trường chính trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của họ, Trung Quốc và Hàn Quốc giữ vị trí thứ hai và thứ ba.
Có tới 9/10 doanh nghiệp được khảo sát tin rằng triển vọng kinh tế thuận lợi |
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam khá lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và các cơ hội thương mại, khoảng 4/5 doanh nghiệp (78%) cho rằng các chính phủ ở các thị trường khác đang trở nên ngày càng bảo hộ hơn. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với tỉ lệ trên toàn cầu (63%) và tăng hơn 11 điểm phần tram so với khảo sát trước được thực hiện vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dường như không xem vấn đề bảo hộ thương mại tăng cao trên toàn cầu là yếu tố tác động tiêu cực, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại. Chỉ 19% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cản trở hoạt động doanh nghiệp trong vòng ba năm tới. Điều này phần nào phản ánh việc đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai trong một số lĩnh vực như dệt may và hàng điện tử khi sản xuất và nhu cầu chuyển hướng khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát (69%) cho rằng tư cách thành viên trong khối ASEAN mang đến nhiều lợi ích cho triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và một tỉ lệ tương tự (65%) thể hiện quan điểm tích cực về hiệp định tự do thương mại sắp tới giữa EU và Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhìn chung có quan điểm tích cực về các chính sách thương mại với 45% doanh nghiệp cho rằng các luật định giúp tăng giá trị của doanh nghiệp và một tỉ lệ tương đương các doanh nghiệp tin rằng các chính sách thương mại nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của họ. Điều này phản ánh những thay đổi tích cực gần đây nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Thực tế, xếp hạng quốc tế của Việt Nam trong khảo sát về chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế Giới đã tăng 31 bậc trong năm năm qua, đạt thứ hạng 68 trong tổng số 190 quốc gia.
Đầu tư vào nâng cao năng lực nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu của 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát trong định hướng hoạt động tương lai của doanh nghiệp, 43% doanh nghiệp nhấn mạnh vào gia tăng năng suất và phát triển kỹ năng của nhân viên. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có kế hoạch nâng cao năng lực nhân viên cao hơn (49%) và dường như điều này giúp hỗ trợ các kế hoạch mở rộng ra thị trường mới và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới của doanh nghiệp.
Khoảng 8/10 doanh nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, so với tỉ lệ 75% trên toàn cầu. Hơn 3⁄4 doanh nghiệp sử dụng các cơ sở dữ liệu khách hàng và giao dịch trong khi 55% sử dụng dữ liệu hoạt động, với mục tiêu chính thúc đẩy doanh số bán và tiếp cận khách hàng mới.
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra chiến lược kinh doanh, vẫn có những khả năng doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng dữ một cách tiên tiến hơn. Thực tế, các ứng dụng và lợi ích tiềm năng của một số công nghệ mới vẫn chưa được đánh giá đúng mức, ví dụ hầu hết doanh nghiệp (70%) tin rằng blockchain không liên quan đến hoạt động doanh nghiệp của họ, so với tỷ lệ 40% trên toàn cầu.
Mai Chi