Fica
  1. Thời sự

  2. Vĩ Mô

Hàng hoá Trung Quốc tăng tốc, đổ dồn về Việt Nam

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng và kim ngạch nhập khẩu nhiều loại hàng hoá từ Trung Quốc vào Việt Nam trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm qua tăng khá mạnh, trong đó có nhiều mặt hàng là nguyên liệu sản xuất và hàng thương mại, tiêu dùng.

Cụ thể, trong tháng 7, kim ngạch nhập khẩu hàng của Trung Quốc đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng nhẹ 200 triệu USD so với tháng trước, nhưng so với tháng 7 năm ngoái, kim ngạch hàng hoá của nước này đã tăng khoảng 800 triệu USD.

Lượng hàng và kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng khá mạnh về Việt Nam

Tính chung, 7 tháng qua, kim ngạch nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam đạt con số 35,7 tỷ USD, tăng 4,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng tương đối mạnh trong thời điểm hiện Trung Quốc và Mỹ đang trả đũa nhau về kinh tế, nhiều loại hàng hoá Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường khác thay thế.

Một lo ngại khác là trong tháng 7, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, 7 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của Việt Nam với nước này là 15,8 tỷ USD

Hiện, kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc chiếm hơn 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí số 1 về lượng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, đứng vị trí thứ 2 trong danh sách nước mà Việt Nam thâm hụt thương mại, sau Hàn Quốc.

Cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam nổi lên các loại hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD như vải, sắt thép, thiết bị vi tính, linh kiện và máy móc.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2018, hầu hết các mặt hàng trên đều tăng về lượng nhập và giá trị.

Cụ thể, vải nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trên 620 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng qua, kim ngạch nhập vải của Trung Quốc về Việt Nam đạt 4 tỷ USD, tăng hơn 600 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh nhất vào Việt Nam.

Các loại sắt thép Trung Quốc cũng vào Việt Nam số lượng lớn, tháng 7 sắt thép Trung Quốc tăng nhập vào Việt Nam khi đạt kim ngạch hơn 456 triệu USD, tăng gần 170 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng qua, kim ngạch mặt hàng này đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 200 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu luôn có kim ngạch "cao truyền thống" của Việt Nam từ Trung Quốc là thiết bị vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại, máy móc thời gian qua cũng tăng giá trị nhập so với cùng kỳ từ 200 triệu USD đến 400 triệu USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu các chủng loại mặt hàng trên trong tháng 7 đạt trên 2.4 tỷ USD,7 tháng đầu năm đạt gần 15 tỷ USD.

Thời điểm hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu về thương mại, liên tiếp trả đũa nhau về thuế, nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, hàng hoá Trung Quốc ngày càng rẻ đi và sẽ có lợi khi vào các thị trường khác nhau. Trong đó đặc biệt là các hàng hoá nguyên liệu sản xuất, gia công xuất khẩu như vải, dệt, da giày cũng như các sản phẩm hàng hoá thương mại như máy móc, thiết bị, sắt thép thành phẩm.

Trong trường hợp Trung Quốc hạ giá đồng tiền sâu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi khi bỏ ít tiền hơn để nhập hàng về. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với hàng giá rẻ từ nước ngoài.

Đồng thời, nếu nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc cho ngành dệt may, da giày để gia công xuất khẩu, lạm dụng vấn đề này rủi ro rất lớn mà Mỹ có thể sẽ đánh thuế đối với hàng Việt Nam vào thị trường nước này do nghi ngờ mượn xuất xứ và giả nguồn gốc hàng hoá.

An Linh