Fica
  1. Thời sự

  2. Vĩ Mô

Hà Nội sau 10 năm mở rộng: GRDP tăng gấp đôi, thu nhập bình quân đầu người gần gấp 3

Quy mô GRDP của Hà Nội năm 2017 đã tăng gấp 1,9 lần so với năm 2008. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ.

 Sáng 28/7, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008-01/8/2018).

Phát biểu tại buổi Lễ,  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa 12, đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để Thủ đô phát triển.

Với quy mô diện tích 3.344,7 km2 (tăng 3,63 lần), dân số tăng gấp 1,5 lần, hiện nay là 7,65 triệu người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 67,8%, với hơn 1.350 làng nghề truyền thống, 5.922 di tích lịch sử, trong đó, có 2.396 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp Thành phố.

"Tất cả các tiềm năng đó, là điều kiện để Thủ đô thực hiện tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn lực tiềm tàng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo tiền đề, nền tảng để phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững", Chủ tịch Chung nói.

Điểm lại những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Chung cho biết, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trung bình 7,41%/năm, là một trong 2 đầu tầu kinh tế của cả nước.

Quy mô GRDP năm 2017 gấp 1,9 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. 

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Lượng khách du lịch tăng trưởng 12%/năm. Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng gần 4 lần).

Không gian kinh tế được mở rộng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD (tăng 2,5 lần so năm 2008), nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008.

Có 43 cụm công nghiệp đã được đầu tư, lấp đầy và hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề được khuyến khích phát triển. Đến nay, trên địa bàn có 1.350 làng nghề và làng có nghề (tăng 70 làng so với năm 2010).

Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,03 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hàng năm 15,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; riêng hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút từ 1986 - 2015.

Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Chỉ số PCI tăng liên tục, từ xếp thứ 53 lên thứ 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ thứ 17 lên thứ 2 vào năm 2017. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, trước và trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có nhiều vấn đề khó khăn, mới mẻ, thách thức cùng với nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra, đó là: quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư còn nhiều.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất rất lớn. Các khó khăn khách quan như: trận lụt lịch sử năm 2008; hệ lụy do suy giảm kinh tế toàn cầu từ năm 2008; dân số cơ học tăng nhanh, hạ tầng kinh tế - xã hội toàn Thành phố còn thiếu và chưa đồng bộ...

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan