Theo Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước. Trong 11 tháng năm 2018, CPI bình quân tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 11/2018 tăng 3,24% so với tháng 12/2017 và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2017.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2018 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước do 4 nhóm hàng hóa chủ yếu tác động đến đời sống của người dân giảm mạnh.
Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,81%, do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6/11/2018 và 21/11/2018 làm giá xăng, dầu giảm 4,1% (tác động CPI chung giảm 0,17%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64% chủ yếu do giá gas giảm 9,18%, giá điện sinh hoạt giảm 0,64% và giá dầu hỏa giảm 0,97%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%, trong đó lương thực tăng 0,27% do giá gạo tăng 0,25%; thực phẩm giảm 0,3%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu trong giỏ tính CPI tăng so với tháng trước nhưng mức tăng không cao, dao động từ 0,01% đến 0,26%; Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,26% do thời tiết miền Bắc chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm tăng nhẹ; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; Nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch đều tăng 0,05%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%;Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
Chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ không nằm trong giỏ tính hàng hóa CPI.
Chỉ số giá vàng tháng 11/2018 tăng 0,98% so với tháng trước; giảm 0,81% so với tháng 12/2017; giảm 0,93% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2018 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 2,77% so với tháng 12/2017 và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2017.
Phương Dung