Thông tin trên được Chính phủ nêu trong báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đề cập tới các khoản phải thu, Chính phủ cho biết báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có tổng các khoản phải thu là 324.358 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 12.277 tỷ đồng tăng 2% so với thực hiện năm 2017, chiếm 2% tổng số nợ phải thu.
Đáng chú ý, nợ phải thu khó đòi tập trung ở các “ông lớn” là TĐ Viễn thông quân đội (1.413 tỷ đồng); TCT Viễn thông Mobifone (605 tỷ đồng); TĐ Bưu chính viễn thông VN (493 tỷ đồng); TĐ Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (385 tỷ đồng); TCT Thương mại Sài Gòn (362 tỷ đồng); TCT Cà phê VN (361 tỷ đồng); TĐ Điện lực VN (355 tỷ đồng); TĐ Hóa chất VN (298 tỷ đồng); TCT 15 (284 tỷ đồng); TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (244 tỷ đồng); TCT Công nghiệp Xi măng VN (208 tỷ đồng)…
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có nợ phải thu hàng chục nghìn tỷ, nhưng Chính phủ khó đòi
Báo cáo của Công ty mẹ, tổng các khoản phải thu là 388.965 tỷ đồng giảm 6% so với năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.543 tỷ đồng, tăng 2,29 lần so với thực hiện năm 2017, chiếm 1% tổng số nợ phải thu.
Nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của Công ty mẹ gồm: Công ty mẹ - TĐ Hóa chất Việt Nam (10.082 tỷ đồng) do Công ty mẹ - TĐ Hóa chất Việt Nam thực hiện trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2035/VPCP-KTTH ngày 13/7/2017 về khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn, Công ty mẹ - TĐ Hóa chất Việt Nam đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 861 tỷ đồng.
Công ty mẹ - TĐ Viễn thông quân đội (1.063 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Viễn thông Mobifone (603 tỷ đồng) chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông trả sau; Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn (321 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Cà phê VN (288 tỷ đồng); Công ty mẹ - TĐ Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (259 tỷ đồng); Công ty mẹ - Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (240 tỷ đồng)…
Hiện Chính phủ đang theo dõi, ghi nhận và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi để xử lý theo quy định nhằm bảo toàn vốn của doanh nghiệp. Theo đó, các TĐ,TCT đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất là 12.993 tỷ đồng (Công ty mẹ: 8.239 tỷ đồng).
Một số Công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 40%) như: Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Bắc (nợ phải thu là 5.486 tỷ đồng, chiếm 44%); Công ty mẹ - TCT Thái Sơn (nợ phải thu 2.041 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - TCT Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 778 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - TCT Tài nguyên và Môi trường VN (nợ phải thu 218 tỷ đồng, chiếm 50%).
Một số Công ty mẹ có giá trị tuyệt đối của chỉ tiêu nợ phải thu khó đòi năm 2018 tăng cao so với năm 2017 như: Công ty mẹ - TĐ Hóa chất VN là 10.082 tỷ đồng (năm 2017 là 695 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn là 321 tỷ đồng (năm 2017 là 250 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị là 240 tỷ đồng (năm 2017 là 147 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT 789 là 31 tỷ đồng (năm 2017 là 7 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Chính phủ, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Công tác cổ phần hóa DNNN còn chậm, do đó ảnh hưởng đến đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp cũng như hạn chế kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán…
“Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.” - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Châu Như Quỳnh