Tại báo cáo vĩ mô mới phát hành, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, trong quý III/2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có biến động khá mạnh. CPI giảm 0,09% trong tháng 7, sau đó tăng lần lượt 0,45% và 0,59% trong tháng 8 và tháng 9.
Tính chung cả quý III, CPI tăng 0,98%. Các nhóm hàng hóa tăng giá nhanh nhất trong quý III (so với cùng kỳ năm trước) là dịch vụ giáo dục (6,94% do thực hiện tiếp lộ trình tăng học phí trong tháng 8 và tháng 9) và thực phẩm (6,14% do giá nhóm hàng thịt lợn neo ở mức cao).
BVSC vẫn tin rằng, lạm phát bình quân cho cả năm có thể vẫn đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%). |
Mức tăng giá trong quý III/2018 tương đương với mức tăng của quý I/2018 (0,97%) nhưng thấp hơn quý II/2018 (1,24%). Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57% so với cùng kỳ 2017.
Theo đánh giá của BVSC, rủi ro lớn nhất đối với chỉ số CPI trong 3 tháng cuối năm vẫn chủ yếu đến từ nhóm hàng giao thông và hàng ăn, dịch vụ ăn uống.
Cụ thể, đối với nhóm hàng giao thông, diễn biến giá xăng dầu trong nước hiện gắn chặt với giá xăng dầu thế giới nên có thể xem đây là một rủi ro mang tính khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của Chính phủ.
Giá dầu thô thế giới sau khi có đợt điều chỉnh sâu hồi đầu tháng 6 đã bật tăng mạnh trở lại trong các tuần gần đây do thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Iran (nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 trong OPEC).
Giá dầu WTI trung bình trong quý III đạt 69,3 USD/thùng, tăng 2% so với mức trung bình của quý II. Nhiều dự báo của các tổ chức lớn hiện nay đều thiên về xu hướng tăng của giá dầu từ nay cho đến cuối năm, thậm chí có thể lên mức 100 USD/thùng. Giá dầu tăng không chỉ gây áp lực lên nhóm hàng giao thông nói riêng mà còn liên đới, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các nhóm hàng khác, đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Đối với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ CPI), diễn biến sẽ rất khó lường, đặc biệt trong quý cuối năm do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ dẫn đến nhu cầu tiêu thụ lớn.
Theo BVSC, các chương trình bình ổn giá thường chỉ có tác dụng nhất định và hạn chế cho một nhóm nhỏ các mặt hàng, tại các khu vực cụ thể. Nhân tố sâu xa hơn ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trên thị trường chính là độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đã liên tục ở mức khá cao 16-18% trong giai đoạn 2013-2017 có thể đã tích tụ đủ những rủi ro và hiện là thời điểm bắt đầu tác động rõ nét lên lạm phát.
Mặc dù có những thách thức nhất định nhưng theo dự phóng của BVSC, lạm phát bình quân cho cả năm có thể vẫn đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%).
Ở kịch bản trung bình (kịch bản được cho là có xác suất xảy ra cao nhất), CPI cuối quý IV sẽ có mức tăng 1,3% so với cuối quý III. Qua đó, CPI vào cuối năm 2018 sẽ tăng 4,5% và lạm phát trung bình cho cả năm 2018 sẽ tăng 3,74%.
Ở kịch bản tiêu cực, CPI và lạm phát trung bình lần lượt sẽ ở mức 5,2% và 3,9%. Ở kịch bản tích cực, các mức lạm phát này sẽ lần lượt ở mức 3,9% và 3,6%.
Bích Diệp