Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB) thông báo sẽ tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 15/11 thay vì 22/9 như thông báo trước đó. Lý do được ngân hàng đưa ra là để hoàn thiện hồ sơ trình đại hội.
Dự kiến, HĐQT LPBank sẽ trình đại hội phê duyệt bầu bổ sung thành viên HĐQT nhằm đáp ứng sớm Luật các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, nhà băng dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng việc trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%.
Đồng thời, ban lãnh đạo ngân hàng này cũng đề xuất phương án mua tối đa 5% vốn điều lệ của Công ty cổ phần FPT, tương đương 73 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến là trong năm 2024 và 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền.
Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.919 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ. Hội đồng quản trị trước đó cho biết ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức trong 3 năm, kể từ năm 2024. Lợi nhuận tạo ra được sử dụng để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm, từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính.
6 tháng đầu năm, huy động tiền gửi của ngân hàng đạt 336.978 tỷ đồng. Phía đầu ra, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt hơn 317.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15,2% so với thời điểm cuối năm 2023.
Trong đó, lĩnh vực được rót vốn nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, với dư nợ tăng khoảng 16.800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đạt trên 76.300 tỷ đồng. Lĩnh vực này cũng chiếm gần 1/4 tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.
Tín dụng của LPBank còn "chảy" vào ngành xây dựng hơn 47.300 tỷ đồng, tăng 6.400 tỷ đồng. Lĩnh vực được ngân hàng này cho vay nhiều thứ 3 là hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình với hơn 44.200 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này là hơn 442.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm, đứng thứ 12 toàn ngành.
Ngân hàng có 1.277 tỷ đồng khoản phải thu gồm các khoản phải thu nội bộ và các khoản phải thu bên ngoài. Ngoài ra, LPBank có 6.078 tỷ đồng là các khoản lãi, phí phải thu, phần lớn đều là các khoản phải thu từ bưu điện các tỉnh liên quan đến các hoạt động huy động tiền gửi và huy động tiền tiết kiệm của LPBank. Các khoản này phát sinh hàng ngày và có thời hạn thanh toán trong một tháng. Những khoản phải thu trên là hơn 7.300 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng tài sản.
Đến hết quý II, báo cáo tài chính cho thấy số nợ xấu (gồm nợ nhóm 3,4,5) của LPBank là 5.482 tỷ đồng. Xét về số tuyệt đối, số nợ xấu của nhà băng này xếp thứ 14 toàn ngành và tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng là 1,7%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng ở mức 77,1%, giảm 16,6% so với cuối năm ngoái.L