Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sóc Trăng vừa công bố kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng.
Thanh tra, giám sát ngân hàng kết luận, nhìn chung, trong thời kỳ thanh tra, ABBank chi nhánh Sóc Trăng thực hiện tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động huy động vốn, hoạt động bảo lãnh; phân loại nợ, trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; việc thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ABBank chi nhánh Sóc Trăng còn những tồn tại, hạn chế: chênh lệch thu nhập - chi phí tại thời điểm 30/6 của ABBank Sóc Trăng là âm 2,766 tỷ đồng, nợ xấu là 7,549 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,67% tổng dư nợ cho vay.
Trong đợt thanh tra này, đoàn thanh tra đã chọn ngẫu nhiên 80 bộ hồ sơ vay vốn của 63 khách hàng với tổng dư nợ gần 59,44 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 76,15% tổng dư nợ tại thời điểm 30/6/2024.
Kết quả cho thấy, ABBank Sóc Trăng đã thẩm định nhu cầu vay vốn chưa chặt chẽ, chưa đánh giá sử dụng vốn và khả năng tài chính để trả nợ của khách hàng, vi phạm quy định tại Thông tư 39 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước.
ABBank Sóc Trăng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay chưa chặt chẽ, giải ngân cho khách hàng mua hàng hoá, dịch vụ thuộc các trường hợp phải lập hoá đơn theo quy định nhưng đơn vị thu thập chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn là bảng kê sử dụng vốn vay, bảng kê mua hàng hóa do khách hàng tự lập, hoá đơn bán lẻ không đúng quy định tại Nghị định 123/2020.
ABBank Sóc Trăng cũng chưa thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát sau cho vay. Nội dung biên bản kiểm tra sau cho vay chưa phân tích, đánh giá về việc sử dụng tiền vay, thực hiện phương án vay vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 94 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010.
Về hạn mức cho vay, ABBank Sóc Trăng vượt mức phương án sử dụng vốn của khách hàng, vi phạm quy định tại Điều 12 Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước.
Về thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, ABBank Sóc Trăng đã thu hồi được 3,8 tỷ đồng nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; số dư nợ đã xử lý rủi ro chưa thu hồi được đến thời điểm 30/6/2024 là hơn 37 tỷ đồng. Điều đó cho thấy việc thu hồi còn chậm và số tiền thu hồi chiếm tỷ lệ thấp so với số đã xử lý rủi ro.
Thanh tra, giám sát cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động cấp tín dụng, công tác phòng, chống rửa tiền tại ABBank Sóc Trăng. Qua đó, yêu cầu ABBank Sóc Trăng có giải pháp cụ thể khắc phục chênh lệch thu chi lũy kế bị âm nhằm lành mạnh hoá tài chính, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành tại đơn vị; đồng thời có giải pháp hữu hiệu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%.
Lộ trình, giải pháp phải được thể hiện rõ trong phương án, thời hạn hoàn thành phương án trước 31/3/2025. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ABBank Sóc Trăng kịp thời kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ phận phòng, chống rửa tiền khi có sự thay đổi nhân sự theo quy định.
Trong trường hợp hết hạn nhưng chưa thu hồi được các khoản nợ phải thu hồi, chi nhánh phải xây dựng phương án xử lý đảm bảo tính khả thi và có báo cáo kết quả.