Số lượng nhà đầu tư trẻ tuổi Trung Quốc gia nhập thị trường chứng khoán tăng vọt trong hai tuần vừa qua. Họ bị hấp dẫn bởi những bước tăng mạnh mẽ của thị trường kể từ khi Bắc Kinh công bố một loạt chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Đó chính là khởi nguồn cho tâm lý sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là FOMO.
Nền kinh tế số hai thế giới chật vật phục hồi từ đại dịch Covid-19. Kể từ đó, người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ, gần như không tìm thấy tín hiệu lạc quan nào. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người từ 16-24 tuổi lên cao tới nỗi chính phủ nước này phải dừng công bố kết quả trong một khoảng thời gian để thay đổi phương thức tính toán. Và cho tới giữa tháng 9, chứng khoán Trung Quốc vẫn thuộc nhóm thị trường giảm mạnh nhất thế giới thời gian qua.
Nhưng tình hình thay đổi chóng vánh sau khi chính phủ Trung Quốc tung ra một loạt giải pháp hỗ trợ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp tăng cung tiền. Thị trường chứng khoán nước này nhờ vậy ngay lập tức bay cao với tuần tăng mạnh nhất 16 năm. Khối lượng giao dịch trong ngày 26/9 lên cao tới nỗi Sàn giao dịch Thượng Hải phải tạm dừng xử lý lệnh mua và bán.
“Cơn sốt” đầu tư là hy vọng đối với thế hệ người trẻ Trung Quốc sinh ra trong thế kỷ 21. Quá trình trưởng thành của họ đi liền với bức tranh kinh tế ngày một kém sắc của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Trước đây, họ “sợ” đầu tư vào chứng khoán vì triển vọng kinh tế kém sáng sủa. Nhưng hiện tại, họ lại sợ bỏ lỡ dù đà tăng của thị trường tiềm ẩn không ít rủi ro.
“Có rất nhiều khách hàng mới mở tài khoản trong vài ngày gần đây. Phần lớn trong số đó là những người chưa có kinh nghiệm”, Tan Zhiming, quản lý khách hàng tại công ty chứng khoán Northeast Securities, có trụ sở tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, chia sẻ.
Tan cho biết mỗi ngày, anh nhận về lượng câu hỏi khổng lồ từ phía khách hàng. Vì lượng công việc quá lớn, anh đã phải viết nên một “bí kíp” đầu tư chung dành cho người mới, nơi anh đưa ra lời khuyên về phương án đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục mang ít rủi ro hơn. Ngoài ra, anh cũng khuyên họ không nên lấy những khoản tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày như tiền mua thực phẩm, tiền thuê nhà,... để đầu tư vào chứng khoán.
Còn tại tỉnh Quảng Đông, một sinh viên khoa học máy tính họ Chương cho biết trước đây anh không hề có ý định gia nhập thị trường chứng khoán. Nhưng sức hấp dẫn từ đà tăng điểm mạnh gần đây khó có thể cưỡng lại. Trong khi bạn bè của anh trở về quê nghỉ lễ, Chen đã chọn ở lại để tìm hiểu những kiến thức đầu tư căn bản.
Trên mạng xã hội Xiaohongshu, Chương miêu tả bản thân “là một mảnh ghép mới tinh trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán nhưng vẫn mơ mộng về thành quả ngay lập tức khi lần đầu tư xuống tiền”. Anh lên kế hoạch sử dụng tiền học bổng, khoảng vài trăm USD, để đầu tư khi thị trường chùng xuống.
“Đối với những người như chúng tôi, với vài nghìn nhân dân tệ, nỗi sợ thua lỗ không quá lớn. Tôi sẽ chờ cho tới khi nào thu nạp đầy đủ kiến thức mới bắt đầu đầu tư”, Chen chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều người trẻ đã tìm đến các nền tảng giao dịch trực tuyến như Futu và Snowball, nơi họ có thể gia nhập thị trường chỉ sau 1-2 ngày. Trên ứng dụng Tiger Brokers, kênh kết nối nhà đầu tư với các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, số lượng người dùng dưới 31 tuổi tăng vọt tới 77% chỉ trong một tuần.
Khi niềm tin vào những hình thức đầu tư truyền thống như bất động sản tiếp tục phai nhạt, người trẻ Trung Quốc buộc phải tìm đến những phương thức mới.
“Nhiều người đã chờ đợi trong một khoảng thời gian dài để gia nhập thị trường”, Vey-Sern Ling, Cố vấn chứng khoán tại ngân hàng Union Bancaire Privé (Singapore), chia sẻ. “Cuối cùng, họ đã có cơ hội để làm điều đó”, ông bổ sung.
Tuy nhiên, sự hào nhoáng của những phiên giao dịch thăng hoa đã che lấp đi nhiều rủi ro rình rập trên thị trường. Đà tăng thời gian qua bắt nguồn từ những thay đổi chính sách và sẽ phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của chính phủ trong việc vực dậy nền kinh tế.
Khi đó, thị trường không khác gì “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong phiên giao dịch 9/10, tâm lý bán tháo đã bao trùm chứng khoán Trung Quốc, cắt đứt chuỗi tăng kéo dài trong 10 phiên trước đó.
Đối Bella Chen, một sinh viên kinh tế tại Quảng Đông, cô tỏ ra lo ngại khi các nhà đầu tư mới mang tư duy lối mòn. Cô chia sẻ trên trang cá nhân về khoản đầu tư của mình vào các quỹ tương hỗ nhưng đồng thời cảnh báo người theo dõi không nên chạy đua theo cảm xúc khi “xuống tiền”.
“Thành thực mà nói, tôi cho rằng cơn sốt này thật điên rồ. Nhiều người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi những rủi ro tiềm ẩn”, cô chia sẻ.