Fica
  1. Quốc tế

Nền kinh tế "thấm mệt", Ấn Độ giảm lãi suất lần đầu sau gần 5 năm

Đại Phú
Đại Phú

Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã phải vật lộn với tình trạng sụt giảm tăng trưởng kể từ năm ngoái.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt. 

Theo đó, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của RBI đã thống nhất cắt giảm lãi suất repo 25 điểm cơ bản xuống 6,25%. Quyết định trên được Thống đốc RBI Sanjay Malhotra thông báo trong một bài phát biểu trực tuyến.

Bước giảm lãi suất là điều đã được dự đoán rộng rãi từ trước, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên mà RBI thực hiện kể từ tháng 5/2020. Tại thời điểm đó, quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái do đại dịch gây ra.

Nền kinh tế "thấm mệt", Ấn Độ giảm lãi suất lần đầu sau gần 5 năm - 1
Thống đốc NHTW Ấn Độ Sanjay Malhotra (Ảnh: Getty)

Quyết định này xác nhận thực tế ưu tiên của RBI đã "chuyển từ kiềm chế lạm phát sang hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế", Shilan Shah, chuyên gia kinh tế phụ trách nhóm thị trường mới nổi tại Capital Economics, chia sẻ.

"Với rủi ro nền kinh tế Ấn Độ sẽ không sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn trong một vài quý tới, khả năng RBI nới lỏng chính sách hơn nữa hoàn toàn có thể xảy ra," Shah nhận định. Bà dự báo RBI sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản trong chu kỳ nới lỏng này.

Trong cuộc họp chính sách, RBI dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ cho năm tài chính tới là 6,7% với tỷ lệ lạm phát là 4,2%. Đối với năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm nay, RBI đã hạ dự báo GDP thực tế từ 6,6% xuống 6,4%, mức thấp nhất trong bốn năm trở lại đây, trong khi tỷ lệ lạm phát được giữ nguyên ở ngưỡng 4,8%.

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 10/2024, lạm phát tiêu dùng của Ấn Độ bắt đầu suy yếu, hiện rơi xuống mức 5,22% vào tháng 12 vừa qua, thấp hơn ngưỡng trần 6% trong dải mục tiêu mà RBI đề ra. 

Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã phải vật lộn với tình trạng sụt giảm tăng trưởng kể từ năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng chỉ còn 5,4% trong quý kết thúc vào tháng 9/2024, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đồng thời là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong gần 2 năm.

Với việc đồng rupee vừa rơi xuống mức thấp kỷ lục so với USD, bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào có thể khiến cho xu hướng giảm phát trong nước đảo chiều, qua đó gây thêm áp lực lên đồng tiền nội địa và đẩy dòng vốn chảy mạnh ra khỏi nền kinh tế.

Trước đó, RBI được cho rằng đã can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm chặn đứng dòng thất thoát vốn cũng như đà mất giá mạnh của đồng rupee.

Nguồn: CNBC
Tin liên quan