Một người phụ nữ đeo khẩu trang ở thủ đô Kiev, Ukraine. (Ảnh: AFP)
Covid-19 lây lan mạnh hơn
Theo thống kê của WHO, số ca mắc Covid-19 toàn cầu cán mốc 100.000 ca sau 3 tháng kể từ khi bùng phát hồi cuối năm 2019, nhưng chỉ mất 12 ngày nữa (tính đến ngày 18/3) để tăng tiếp 100.000 ca và 3 ngày tiếp theo (từ 18-20/3) tăng hơn 50.000 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận hơn 250.000 người mắc Covid-19.
Số liệu thống kê này chỉ ra thực tế, tốc độ lây lan của Covid-19 đang lây lan mạnh hơn trong bối cảnh tâm dịch chuyển sang châu Âu, trong khi châu Á đối mặt với “làn sóng” lây nhiễm thứ hai từ bên ngoài.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 19/3 cảnh báo, nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát, hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt ở các nước kém phát triển, sẽ tử vong vì nó.
“Nếu chúng ta để loại virus này lây lan không kiểm soát, đặc biệt ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất của thế giới, nó sẽ lấy đi sinh mạng của hàng triệu người”, ông Guterres cảnh báo và kêu gọi sự phối hợp toàn cầu trong ứng phó và ngăn chặn dịch Covid-19. Ông nhấn mạnh thêm: “Chúng ta cần lập tức từ bỏ thực trạng mỗi quốc gia sử dụng một chiến lược y tế riêng, mà thay vào đó là chiến lược minh bạch, có sự phối hợp toàn cầu, trong đó có việc hỗ trợ các quốc gia với năng lực ứng phó khủng hoảng hạn chế”.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 và hiện đã lan ra hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Covid-19 đã khiến hơn 257.000 người mắc bệnh, trong đó hơn 11.000 người tử vong.
WHO hôm 11/3 đã công bố Covid-19 là đại dịch, hối thúc các quốc gia hành động nhanh chóng, quyết liệt để ngăn chặn dịch lây lan. WHO cũng cho rằng, tâm dịch đã chuyển từ châu Á sang châu Âu khi diễn biến tại châu Âu ngày càng phức tạp, đáng lo ngại. Italia hiện là “ổ dịch” lớn nhất châu Âu với hơn 4.000 người tử vong và hơn 47.000 người mắc Covid-19. Số ca mắc bệnh và tử vong tại các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Đức cũng tăng mạnh.
Tại châu Á, trong khi hầu hết các nước được đánh giá ứng phó hiệu quả với làn sóng đầu tiên của Covid-19 thì hiện tại tiếp tục đối mặt với “làn sóng thứ hai” khi công dân trở về từ các điểm nóng bùng phát dịch.
“Làn sóng thứ 3”
Làn sóng thứ 3 của Covid-19 có thể nhằm vào các nước châu Phi với hệ thống y tế yếu kém hơn. (Ảnh minh họa: AFP)
Các chuyên gia tại hội thảo do hãng truyền thông New Humanitarian tổ chức hôm 19/3 cảnh báo, làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 sẽ nhằm vào các nước kém phát triển, những quốc gia vốn đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng di cư.
Theo các chuyên gia, thiếu trang phục bảo hộ và nguồn lực xét nghiệm trong cuộc chiến ứng phó Covid-19 vốn là vấn đề khiến Trung Quốc và châu Âu đau đầu, nhưng làn sóng thứ 3 có thể khiến các nước đang phát triển với hệ thống y tế yếu kém rơi vào tình trạng tồi tệ hơn ngay cả khi số ca mắc bệnh hiện còn rất nhỏ.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ứng phó khủng hoảng nhân đạo và y tế toàn cầu cảnh báo, cộng đồng quốc tế cần bắt đầu phối hợp chặt chẽ với các chính phủ khắp thế giới để giúp đỡ những quốc gia dễ tổn thương nhất.
Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao về chính sách tại Trung tâm phát triển toàn cầu ở Washington DC (Mỹ), nói: “Khi 100 triệu liều vắc xin đầu tiên ra đời, đó sẽ là một cuộc chiến lớn để xem ai sẽ được sử dụng, một điều quan trọng là số vắc xin đó không nên chỉ dành cho những người đủ tiền để mua nó”.
Châu Phi hiện có khoảng 600 ca mắc Covid-19, một con số rất nhỏ so với hàng nghìn ca tại các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, châu Phi cần tiến hành nhiều hơn nữa hoạt động xét nghiệm. “Châu Phi hãy thức tỉnh”, ông Tedros nhấn mạnh.
“Xét nghiệm phải được ưu tiên hàng đầu. Vấn đề là, sau Trung Quốc, sau châu Âu, làn sóng thứ 3 (Covid-19) đang tấn công các nước thu nhập thấp. Khả năng xét nghiệm sẽ là vấn đề đáng quan ngại", ông Karl Blanchet, giám đốc Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Hành động Nhân đạo có trụ sở tại Geneva, nói.
Minh Phương
Theo Guardian, AFP