Lời đe dọa xây cao thêm hàng rào thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ đang dần kéo tăng chi phí vay vốn dài hạn trên phạm vi toàn cầu, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo.
Những bất định xung quanh triển vọng chính sách thương mại mà chính quyền ông Donald Trump sẽ áp dụng đang thổi thêm “những cơn gió chướng” đối với nền kinh tế toàn cầu. “Và hệ quả trước mắt tới từ thực tế lãi suất các khoản vay dài hạn đang dần tăng lên”, bà Georgieva chia sẻ với các phóng viên trong một sự kiện diễn ra ngày 10/1/2025. Điều đó diễn ra trong bối cảnh lãi suất ngắn hạn dần “hạ nhiệt”. Đây là một diễn biến “bất thường”, bà chia sẻ.
Ông Trump, người sẽ chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới, từng cam kết đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, thậm chí áp thuế cao hơn với một số đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc, Canada và Mexico. Điều này kéo tăng quan ngại về tình trạng xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế đồng thời kéo tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ. Hồi tháng 10/2024, Kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo hàng rào thuế quan và tình hình bất ổn thương mại có thể kéo giảm GDP toàn cầu khoảng 0,5%.
Trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ tại nhiều quốc gia, bên cạnh đó là sự bật nảy của đồng USD chính là những chủ đề bao trùm toàn thị trường, phản ánh “nỗi sợ” của nhà đầu tư về nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
“Không có gì bất ngờ, với quy mô và vai trò của kinh tế Mỹ, sự quan tâm trên phạm vi toàn cầu sẽ đổ dồn vào định hướng chính sách của chính quyền mới với tâm điểm là thuế quan, thuế doanh nghiệp, nới lỏng quy định pháp lý và mức độ hiệu quả hoạt động chính phủ”, bà Georgieva, cho biết. Tác động từ chính sách thương mại của Mỹ sẽ có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới các quốc gia và khu vực hòa nhập sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm nhiều nền kinh tế quy mô trung bình và châu Á, bà bổ sung.
Sức mạnh của đồng USD “có thể kéo tăng chi phí vốn đối với các quốc gia mới nổi, có thu nhập thấp”, bà cho biết. Với kết quả từ báo cáo việc làm mới nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “có thể kiên nhẫn chờ đợi trước khi tiến hành các bước cắt giảm tiếp theo”, qua đó tạo thuận lợi cho đà tăng giá của đồng bạc xanh.
Kể từ đại dịch Covid-19, IMF luôn lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo tháng 10/2024, cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng của toàn thế giới trong năm 2025 ở ngưỡng 3,2%. Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi trong lần công bố báo cáo sắp tới, diễn ra vào ngày 17/1.
Bà Georgieva tiết lộ sẽ không có những điều chỉnh quá lớn về con số dự báo. “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục ổn định” nhưng xuất hiện một số yếu tố tác động có thể gây ra sự “chệch hướng”.
“Kinh tế Mỹ duy trì sức bật tốt hơn so với chúng tôi kỳ vọng trước đó”,bà cho biết. Ngược lại, tăng trưởng tại Liên minh châu Âu (EU) đang “dần chững lại”. Kinh tế Ấn Độ “suy yếu đôi chút” trong khi Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như áp lực giảm phát và nhu cầu nội địa thấp, bà cho hay.