Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tại Trung Quốc tăng 0,1 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu vừa được cơ quan thống kê nước này công bố. Kết quả trên thấp hơn so với tháng 11, làm dấy lên quan ngại nền kinh tế số hai thế giới ngày một lún sâu vào xu hướng giảm phát.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục sụt giảm 2,3 điểm % trong cùng giai đoạn, đánh dấu tháng thứ 27 liên tiếp “đi lùi”.
Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc “quanh quẩn” mốc 0% trong một thời gian dài là minh chứng rõ ràng nhất cho những khó khăn mà nền kinh tế nước này phải đối mặt, đặc biệt là thực trạng nhu cầu nội địa “yếu ớt”.
Tiêu dùng chưa có tín hiệu cải thiện bất chấp Bắc Kinh tung ra nhiều giải pháp kích cầu và hỗ trợ nền kinh tế hồi tháng 9 năm ngoái, đặc biệt phải kể tới chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp mua sắm thiết bị mới.
Trong năm 2025, chương trình này tiếp tục được triển khai với quy mô mở rộng hơn so với năm cũ với số lượng các sản phẩm được trợ cấp cũng như tỷ lệ trợ cấp đều được nâng lên.
“Dù cho thấy một số tín hiệu cải thiện sau khi mạnh tay hành động hồi tháng 9, kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản và căng thẳng thương mại với Mỹ”, Carlos Casanova, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Union Bancaire Privée, nhận định.
Diễn biến lạm phát tại Trung Quốc thời gian tới được dự báo rất khó đoán định. Tháng 1 là thời điểm diễn ra Tết nguyên đán, do đó, nhu cầu mua sắm của người dân chắc chắn sẽ tăng cao. Tốc độ tăng giá cả vì thế có thể sẽ nhanh hơn.
Số liệu lạm phát trong dài hạn cũng sẽ được cải thiện nếu như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. Trước đó, cơ quan chức năng nước này cho biết sẵn sàng phá giá đồng nhân dân tệ để đối phó với tác động từ hàng rào thuế quan của Mỹ.