Kể từ khi một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, các đời Tổng thống Mỹ đã dành nhiều sự chú ý đặc biệt tới châu lục này.
Tổng thống Donald Trump đề ra “Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” như một sự tiếp nối chiến lược “Xoay trục châu Á” của ông Obama. Nhưng nhiều học giả lại cho rằng, cả hai chiến lược trên của Mỹ lại là nguồn gốc căng thẳng tại châu Á, khi mục đích của chúng là kiềm chế Trung Quốc và buộc các nước trong khu vực phải ‘chọn phe’.
Ở một số mức độ, chiến lược châu Á của ông Trump là sự tiếp nối chính sách của những người tiền nhiệm khác nhằm tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Và chính sách của ông Trump xoay quanh ba vấn đề: thương mại Mỹ-Trung, chính sách ngoại giao về tên lửa hạt nhân giữa Washington-Bình Nhưỡng, và sức ảnh hưởng của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ trong khu vực.
Thương mại Mỹ -Trung
Kể từ khi Tổng thống Trump nắm quyền và áp đặt một số mức thuế quan làm công cụ đàm phán, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung chịu tác động xấu. Ông Trump từng bước phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và thế giới được chứng kiến những chính sách thuế ‘ăn miếng, trả miếng’ lẫn nhau lên các sản phẩm nông và công nghiệp tới từ hai cường quốc.
Trên thực tế, ông Trump sử dụng thuế quan như một phần của chiến lược bảo hộ nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Dựa trên mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, tờ Asia Times nhận định kinh tế của hai quốc gia sẽ đều chịu sự suy thoái nghiêm trọng.
Kể từ khi áp thuế lẫn nhau, cả Mỹ và Trung Quốc đều chịu tổn thất lớn trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự suy giảm đáng kể, trong khi nông dân và người tiêu dùng Mỹ cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Mỹ-Trung đều chịu thiệt hai do thương chiến
Một số học giả tin rằng, cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ cung cấp cho nền kinh tế Mỹ cơ hội nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Đồng thời mở thị trường nước này cho các nước châu Âu, Đông Nam Á và Mỹ La-Tinh. Tuy nhiên, chiến lược này của ông Trump không thể bù đắp cho những tổn thất mà thương chiến gây ra.
Ngoại giao Mỹ-Triều
Kể từ khi rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hồi tháng 1/2003, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và điều này làm dấy lên mối lo ngại cho Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực châu Á.
Nhưng ông Trump đã có những bước đi lớn, khi ông mời được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới bàn đàm phán. Và những hoạt động thúc đẩy ngoại giao của ông đã dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh song phương chưa từng có giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều hồi tháng 6/2018, mà ông Kim đã gọi đây là “một số tín hiệu cho việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên kể từ đó, dù cả Washington và Bình Nhưỡng tổ chức thêm nhiều cuộc gặp, nhưng những lần gặp mặt này đều thất bại.
Ông Trump và ông Kim Jong Un gặp nhau hồi tháng 6/2018. Ảnh: AP
Giờ câu hỏi được đặt ra là: “Vì sao Mỹ và Triều Tiên không thể giải quyết những khác biệt về vấn đề tên lửa đạn đạo và các chương trình hạt nhân”. Tờ Asia Times đưa ra những lý do sau đây.
Thứ nhất là do những chính sách ngoại giao khó đoán định của ông Trump. Việc ông Trump hay rút khỏi các hiệp ước quốc tế, và sự hiện diện của đường lối ngoại giao cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, Iran hay Cuba trong hàng thập kỷ qua khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un khó có thể thiết lập mối quan hệ song phương với Mỹ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
Thứ hai, sự hiện diện của những nước như Triều Tiên tạo ra cho Mỹ cơ hội tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại châu Á. Thêm nữa, Mỹ muốn vấn đề Triều Tiên không được giải quyết nhằm tăng cường vị thế chiến lược của nước này trong khu vực.
Nhưng điều này không có nghĩa Washington sẽ ‘nhắm mắt làm ngơ’ trước bất kỳ hành động gì ảnh hưởng tới an ninh và lợi ích của nước này. Bởi vậy Mỹ không ngừng dùng tới các biện pháp trừng phạt từ nước này, hay từ cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương
Ấn Độ-Thái Bình Dương rất quan trọng với Washington, khi khu vực này chiến hơn nửa dân số toàn cầu và hơn 40% tỷ trọng kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Và Ấn Độ là nước có vai trò quan trọng trong chiến lược này, bởi Mỹ tin rằng một cường quốc đang nổi lên như Ấn Độ sẽ có đủ khả năng để kìm hãm Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ảnh: AP
Trên thực tế, Washington muốn thiết lập quan hệ với New Delhi không chỉ nhằm mục đích kìm hãm Bắc Kinh phát triển, mà còn để ngăn bất kỳ sự hợp tác Trung-Ấn nào có thể ảnh hưởng vị thế của Mỹ trong khu vực. Bởi vậy Mỹ coi “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” có vị trí quan trọng trong việc cân bằng cán cân quyền lực trong khu vực.
Hơn nữa, Washington cũng nhân thức được nếu nước này mất vị thế kinh tế và ảnh hưởng ở châu Á, thì các hoạt động ngoại giao và quân sự của nước này sẽ suy yếu. Do đó, các khía cạnh kinh tế của chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực.
Thực chất, “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” của ông Trump là một sự mở rộng của chính sách “Xoay trục châu Á” của ông Obama, nhưng có một sự khác biệt lớn. Đó là “Xoay trục châu Á” có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tạo ra một khối kinh tế thống nhất ở châu Á, nhưng chiến lược của ông Trump thiếu mất mảng kinh tế.
Tờ Asia Times nhận xét, khi ông Trump thiếu sự gắn kết với các nước châu Á, cũng như Mỹ rút khỏi TPP và thi hành các chính sách đơn phương, thì các chính sách về châu Á của Tổng thống Mỹ sẽ vô cùng phức tạp.
Theo Tuấn Trần
Vietnamnet