Nỗi sợ trên bắt nguồn từ đà suy yếu nhanh của lạm phát từ đỉnh lịch sử, vốn trước đó là nguyên nhân khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất lên ngưỡng cao kỷ lục 4% vào tháng 9/2023.
Trong tháng 9 vừa qua, lạm phát tại khu vực suy yếu còn 1,8%, qua đó có lần đầu tiên xuống dưới mục tiêu 2% mà ECB đề ra trong hơn ba năm trở lại đây. Kết quả trên làm gia tăng kỳ vọng về một bước cắt giảm lãi suất tiếp theo ngay trong kỳ họp ngày 17/10 tới đây, điều mà không ít chuyên gia từng dự báo sẽ chỉ xảy ra vào tháng 12 tới.

Quyết định cắt giảm sâu hơn lãi suất trong tháng 10 có thể là điểm khởi đầu cho một chu kỳ cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh thời gian tới nhằm không để lạm phát nằm ì dưới ngưỡng mục tiêu. Hiện tại, các thị trường tài chính dự báo ECB sẽ hạ lãi suất xuống còn 1,7% tính tới hết nửa đầu năm sau.
“Tránh đề lạm phát quay trở lại ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát (nằm dưới mục tiêu 2%) sẽ là một trong những thách thức lớn nhất mà ECB phải đối mặt”, Jens Eisenschmidt, Kinh tế trưởng thị trường châu Âu tại Morgan Stanley, đánh giá. Ông dự báo ECB sẽ hạ lãi suất xuống còn 1,75% vào cuối năm 2025 đồng thời bổ sung: “đó có thể chưa phải là điểm cuối của chu kỳ nới lỏng”.
Trong quá khứ, lạm phát thấp mới chính là vấn đề lớn nhất mà ECB phải đối mặt chứ không phải lạm phát cao. Trong 93/120 tháng tính tới tháng 7/2021, thời điểm lạm phát bùng nổ do nhu cầu hàng hóa - dịch vụ tăng cao do đại dịch, lạm phát luôn nằm dưới mục tiêu 2% của ECB.
Mức tăng giá cả “nhỏ giọt” kéo theo nguy cơ rơi vào lối mòn giảm phát, điều có thể châm ngòi một vòng xoáy trì trệ khi người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu trong khi thu nhập sụt giảm khiến khả năng mất thanh toán các khoản nợ tăng cao. Bài toán giảm phát khó giải hơn rất nhiều so với lạm phát.
Để ngăn cản đà rơi của lạm phát, ECB đã phải thực hiện một đường lối chính sách có mức độ quyết liệt cao: “Thổi phồng” bảng cân đối kế toán thông qua việc mua trái phiếu và đẩy lãi suất về dưới 0%.
Hiện tại, trong báo cáo mới nhất, ECB dự báo lạm phát sẽ chạm ngưỡng 2% vào quý IV/2025 sau khi neo trên ngưỡng này trong suốt 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, một số quan chức ECB đã bắt đầu tỏ ra quan ngại khi cho rằng dự báo đó “toàn màu hồng” trước cả khi dữ liệu lạm phát tháng 9 được công bố. Còn trong biên bản cuộc họp tháng 8, một số thành viên tham gia nhấn manh “rủi ro lạm phát về dưới mục tiêu hiện không nên bị phớt lờ”.
Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp, cho biết dữ liệu mới đây cho thấy “lạm phát sẽ về ngưỡng mục tiêu 2% sớm hơn vào quý I/2025”. Trong đó, lạm phát toàn phần quý cuối năm nay được dự báo sẽ nhích lên do tính chất mùa vụ (giá dầu và khí đốt thường đi đi lên vào tháng 11 và 12 do nhu cầu lớn vào mùa đông) và mức nền thấp của năm ngoái.
Chia sẻ quan điểm về chủ đề này, Sebastian Dullien, Giám đốc khối nghiên cứu tại Viện chính sách kinh tế vĩ mô (Macroeconomic Policy Institute) cho biết: tăng trưởng yếu và đà giảm của lạm phát cho thấy khả năng ECB đã “hành động quá chậm (trong quá trình điều chỉnh chính sách) một lần nữa.
Ông cho rằng áp lực lạm phát trong giai đoạn 2021-2023 chỉ mang tính chất tạm thời do đà tăng mạnh chi phí năng lượng và các nút thắt chuỗi cung ứng nhiều hơn là sự gia tăng đột biến của nhu cầu thị trường. ECB đã tăng lãi suất quá mạnh, gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng, vốn đã chịu áp lực từ năng suất lao động thấp, đầu tư yếu và dân số già hóa.
“Thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức làm trầm trọng hóa thêm các vấn đề mang tính chất cấu trúc của nền kinh tế”, Dullien nhận định.