Fica
  1. Doanh nghiệp

Ông lớn Thế Giới Di Động và FPT Retail đi bán rau, bán thuốc ra sao?

Khổng Chiêm
Khổng Chiêm

Chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh đã có lãi 2 quý liên tiếp, mang tiền về cho Thế Giới Di Động. Còn FPT Retail có lãi từ chuỗi nhà thuốc Long Châu khi liên tục mở rộng, duy trì tốc độ tăng doanh thu.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã chứng khoán: FRT) cùng vận hành các chuỗi bán lẻ điện thoại, điện máy, đồ gia dụng. Công ty Thế Giới Di Động có các chuỗi Thegioididong và Điện Máy Xanh; còn FPT Retail có chuỗi FPT Shop, F.Studio (chuyên bán sản phẩm Apple).

Tuy nhiên, ngoài doanh thu truyền thống từ các chuỗi này, cả 2 công ty đều đang ghi nhận sự thay đổi tích cực ở 2 mảng kinh doanh mới: thực phẩm tươi sống (Bách Hóa Xanh) và bán thuốc (Long Châu).

Ông lớn Thế Giới Di Động và FPT Retail đi bán rau, bán thuốc ra sao? - 1
Bách Hóa Xanh và Long Châu - 2 hướng đi khác biệt của 2 ông lớn ngành bán lẻ công nghệ.

Thế Giới Di Động công bố quý III, doanh thu thuần đạt gần 34.147 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần 806 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức thấp của năm trước.

Trong đó, chuỗi siêu thị thực phẩm Bách Hóa Xanh ghi nhận lợi nhuận gần 90 tỷ đồng ở quý III, đánh dấu 2 quý sinh lời liên tiếp dù trước đó lỗ triền miên. Chuỗi này đã duy trì được doanh thu trên mức 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng và đang tái khởi động quá trình mở mới cửa hàng.

Cách đây 6 năm, Bách Hóa Xanh bắt đầu là mô hình thử nghiệm của Thế Giới Di Động, trong bối cảnh doanh nghiệp đã làm chủ thị phần ngành bán lẻ điện thoại và đang bành chướng ở ngành bán lẻ điện máy. Một hướng đi khác để duy trì tăng trưởng là điều mà ban lãnh đạo công ty buộc phải lựa chọn. Sau thời gian thử nghiệm, Bách Hóa Xanh đã được chọn làm triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp tỷ USD này.

Nhiều năm thua lỗ triền miên, gần đây Bách Hóa Xanh được tái cấu trúc, bắt đầu có lãi và dần hiện thực hóa kế hoạch "mang tiền về cho mẹ" như ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch công ty từng chia sẻ. Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh cũng còn cần thời gian để xóa khoản lỗ lũy kế gần 8.660 tỷ đồng kể từ khi hoạt động đến ngày 30/9.

Ngoài ra, chuỗi cửa hàng EraBlue bán lẻ điện máy tại Indonesia cũng đã đem về lợi nhuận cho Thế Giới Di Động. Chuỗi này, công ty liên doanh với đối tác Erajaya của Indonesia. Trên báo cáo, EraBlue đem lại lợi nhuận 148 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm lỗ 47 tỷ đồng. Lãnh đạo Thế Giới Di Động từng nói tin tưởng EraBlue sẽ có vị thế như Điện Máy Xanh, mục tiêu chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2027.

Lũy kế 9 tháng, Đầu tư Thế Giới Di Động đạt doanh thu 99.767 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.881 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đối với FPT Retail, doanh nghiệp lãi hơn 165 tỷ đồng trong quý III dù cùng kỳ năm trước lỗ 13 tỷ đồng. Doanh thu tăng 26% đạt gần 10.400 tỷ đồng.

Lý giải sự tăng trưởng lợi nhuận, FPT Retail cho biết trong kỳ đã nhận hơn 200 tỷ đồng cổ tức từ Công ty FPT Long Châu (quản lý chuỗi nhà thuốc Long Châu). Chuỗi này cũng liên tục mở rộng hệ thống nhà thuốc, duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 55% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng, chuỗi Long Châu đóng góp 62% doanh thu cho FPT Retail.

Trong khi mảng dược phẩm tăng trưởng mạnh mẽ, tình hình bán lẻ điện thoại, điện máy của FPT Retail vẫn chưa khởi sắc. Trong 9 tháng, doanh thu bán lẻ sản phẩm công nghệ chiếm tỷ trọng 38%, nhỏ hơn so với mảng thuốc. Doanh thu mảng này giảm 11% so với cùng kỳ, còn 10.904 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết đang đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống cửa hàng, danh mục sản phẩm để tạo tăng trưởng. Quý III, FPT Shop đạt doanh thu trung bình mỗi cửa hàng 2,1 tỷ đồng/tháng, cao nhất từ đầu năm.