Fica
  1. Doanh nghiệp

Bắc Phước Kiển: Loạt lãnh đạo lao đao, Quốc Cường Gia Lai kiện Sunny Island

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dự án Bắc Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai đã và đang trải qua nhiều thăng trầm. Sau khi loạt lãnh đạo vướng lao lý, Phước Kiển lại chứng kiến chủ đầu tư Quốc Cường Gia Lai kiện đối tác Sunny Island.

Nhấn mạnh về khoản nợ tiềm tàng vụ kiện Sunny Island

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai, mã: QCG) mới công bố báo cáo tài chính năm 2020 sau kiểm toán. Theo đó, vấn đề duy nhất Công ty kiểm toán DFK Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho Quốc Cường Gia Lai, nhấn mạnh chính là khoản nợ tiềm tàng liên quan đến kết quả vụ kiện mà Quốc Cường Gia Lai khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island.

Bắc Phước Kiển: Loạt lãnh đạo lao đao, Quốc Cường Gia Lai kiện Sunny Island - 1

Ngày 9/12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island liên quan đến dự án Bắc Phước Kiển.

Cụ thể, vào ngày 9/12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Quốc Cường Gia Lai yêu cầu Sunny Island hoàn trả toàn bộ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và hồ sơ đền bù nhận tại BIDV và toàn bộ hồ sơ đền bù theo 6 biên bản giao nhận hồ sơ mà Sunny Island đang nắm giữ. Ngày 30/12/2020, VIAC đã ra Thông báo thụ lý số 1320/VIAC.

Quốc Cường Gia Lai cho biết Ban Tổng giám đốc công ty đánh giá rủi ro tổn thất từ vụ kiện là thấp và kết quả sau cùng chưa được xác định. Theo đó, công ty chưa trích lập dự phòng cho khoản nợ và các chi phí liên quan đến vụ khởi kiện.

Tại thời điểm cuối năm 2020, Quốc Cường Gia Lai có khoản phải trả Sunny Island lên đến gần 2.883 tỷ đồng. Đây là khoản tiền Quốc Cường Gia Lai nhận từ đối tác theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai cho biết: "Hiện nay dự án đã tiến triển qua nhiều giai đoạn với hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi, dẫn đến một số điều khoản trong Hợp đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do đó hai bên đang đàm phán để có hướng xử lý phù hợp hơn".

Giá trị khoản nợ lên đến gần 2.883 tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ với Quốc Cường Gia Lai trong bối cảnh doanh thu năm 2020 dù tăng mạnh nhưng cũng chỉ đạt con số 1.868 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2020, tiền và các khoản tương đương tiền là 40,5 tỷ đồng. Đồng thời, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai là âm 43,3 tỷ đồng. Con số này cuối năm 2019 là âm 276 tỷ đồng.

Sunny Island từng "cứu" Quốc Cường Gia Lai?

Cách đây đúng 10 năm, Quốc Cường Gia Lai, từ một thế lực lớn trong làng bất động sản, bất ngờ có kết quả kinh doanh suy giảm. Năm 2011, công ty lỗ hơn 44 tỷ đồng dù trước đó chỉ một năm lãi tới 283 tỷ đồng.

Kể từ đó, Quốc Cường Gia Lai có kết quả gần như "đi lùi". Lợi nhuận sau thuế năm 2012, 2013 chỉ đạt 7 tỷ đồng và 6 tỷ đồng. Sang 2014 và 2015, lợi nhuận có cải thiện nhưng vẫn là những con số rất khiêm tốn, chỉ 32,4 tỷ đồng và 21,8 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai, từng chia sẻ nếu không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì bà đã tự tử.

Với những số liệu kinh doanh kém lạc quan như vậy, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai bị nhà đầu tư quay lưng và ngụp lặn dưới thị giá suốt thời gian dài. Đóng cửa năm 2015, QCG dừng ở mức 5.100 đồng/cổ phiếu. Sang năm 2016, QCG thậm chí còn mất thêm gần 50% nữa.

Giữa lúc tăm tối nhất của mình, Quốc Cường Gia Lai gặp được "phao cứu sinh". Đó là Sunny Island.

Vào ngày 15/10/2016, Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ. Theo đó, Tập đoàn sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của Tập đoàn trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Tập đoàn cho Sunny Island.

Tuy nhiên, tại ngày của báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, Quốc Cường Gia Lai và Sunny đã thanh lý Biên bản nêu trên do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và hai bên đàm phán lại.

Tại ngày 31/3/2017, Quốc Cường Gia Lai đã nhận từ Sunny số tiền tạm ứng tổng cộng là 50 triệu USD để tất toán nợ vay với BIDV - chi nhánh Quang Trung. Số tiền này rất quan trọng, giúp dòng tiền của Quốc Cường Gia Lai được cải thiện mạnh.

Thông tin trên cũng góp phần "cứu" giá cổ phiếu QCG. Không lâu sau khi bản báo cáo tài chính này được công bố, QCG có chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp. Nhờ đó QCG lấy lại được mệnh giá sau chuỗi ngày rất dài giao dịch dưới mốc 10.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa tháng 5/2017, QCG đạt tới 21.900 đồng/cổ phiếu, tăng 15.050 đồng/cổ phiếu, tương đương 220% so với ngày 25/4/2016.

Có thể thấy Sunny Island vừa giúp Quốc Cường Gia Lai cải thiện mạnh mẽ dòng tiền vừa đóng góp vào đợt tăng của cổ phiếu QCG.

Loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý 

Cho đến nay, Bắc Phước Kiển có lẽ là dự nhiều thị phi nhất của Quốc Cường Gia Lai.

Bắc Phước Kiển: Loạt lãnh đạo lao đao, Quốc Cường Gia Lai kiện Sunny Island - 2

Bắc Phước Kiển là dự nhiều thị phi nhất của Quốc Cường Gia Lai. 

Đầu năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Công Thiện, nguyên tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.

Bị can Minh và Thiện bị bắt để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vụ điều tra này liên quan đến những vi phạm tại dự án khu dân cư Phước Kiển. Tân Thuận đã "bán rẻ" cho Quốc Cường Gia Lai.

Trước đó, trong năm 2018, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang kiểm điểm trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng hơn 32ha đất của Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Mới đây, ông Tất Thành Cang đã bị khai trừ Đảng.

Vân Khánh