Hoang vắng và không có người sinh sống, những "thành phố ma" của Trung Quốc đã trở thành chủ đề thu hút báo chí phương Tây cách đây một thập kỷ. Những bức ảnh về các đại đô thị này được lan truyền trên mạng cho thấy những tòa nhà trống trơn ngập bùn đất, những đại lộ thênh thang không người qua lại hay nhiều công trình kiến trúc đồ sộ không hoạt động.
Đường phố thênh thang không người ở quận Kangbashi, thành phố Ordos, Nội Mông năm 2017 (Ảnh: SCMP/Getty).
"Tại những nơi được gọi là những "thành phố ma", bạn có thể thấy những dự án đô thị lớn đầy tham vọng từng thu hút nhiều vốn đầu tư nhưng lại không có ai đến ở. Kết quả là nhiều nơi trông giống như những thành phố nhưng lại chẳng có hoạt động gì bên trong đó", ông Max Woodworth - Phó giáo sư khoa địa lý của Đại học bang Ohio - cho biết.
Theo ông Woodworth, Trung Quốc đã chậm trễ quá trình đô thị hóa trong nhiều năm và đang chạy đua để đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Nhưng tốc độ xây dựng các khu đô thị lại nhanh hơn tốc độ người chuyển vào, ngay cả khi các nhà đầu tư vẫn đổ xô mua căn hộ đẩy giá nhà tại Trung Quốc tăng cao.
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chuyển dịch ra khỏi khu vực nông nghiệp, đô thị hóa và xây dựng đã trở thành hai chất xúc tác cho sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc. Năm 1978, Trung Quốc mới chỉ có 18% dân số sống ở các thành phố, đến năm ngoái con số này đã đạt 64%. Quốc gia này hiện có ít nhất 10 siêu thành phố có trên 10 triệu dân. Hơn 1/10 dân số thế giới đang sinh sống tại các thành phố ở Trung Quốc.
Để đáp ứng nhu cầu dịch chuyển ra thành phố của người dân tại đất nước tỷ dân này, Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án xây dựng quy mô lớn, đôi khi quá mức. Bởi mọi dự án xây dựng đều thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thậm chí nó còn giúp các địa phương có nguồn thu thông qua việc bán đất cho các nhà phát triển dự án và nguồn thuế từ các doanh nghiệp.
Để tạo nên sức sống ban đầu cho các thành phố này, các văn phòng chính phủ và doanh nghiệp nhà nước là những người chuyển đến đầu tiên. Tiếp đó là các tòa nhà công cộng như trung tâm hội nghị, sân vận động thể thao, bảo tàng, song song với đó là trường học, ga tàu cao tốc cùng nhiều dự án phát triển nhà ở khác. Sau đó, các khu vực này sẽ được tính toán để thu hút đầu tư tư nhân.
Sự hồi sinh đang diễn ra ở quận mới Zhengdong, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Ảnh: Bloomberg).
Một số "thành phố ma" trước đây, như quận Pudong ở Thượng Hải, đã chuyển mình thành công. Nhưng việc khởi động những dự án như thế này đồng nghĩa với việc phải vay nợ. Năm ngoái, sự bùng nổ của ngành xây dựng bất động sản đã mang đến động lực cho sự phục hồi từ đại dịch của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng cùng với đó là khoản vay kỷ lục 3.750 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 580 tỷ USD) của các chính quyền địa phương.
Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc vẫn muốn xu hướng đô thị hóa được tiếp tục với lý do người dân thành thị có thu nhập cao hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào ngoại thương. Và kể từ khi Bắc Kinh và Thượng Hải đưa ra các điều khoản nghiêm ngặt để hạn chế số lượng người mới được cấp hộ khẩu thì các trung tâm dân cư mới ở Trung Quốc mới bắt đầu trở nên thu hút hơn.
Vấn đề rủi ro là những thành phố này cuối cùng vẫn không lấp đầy số lượng cư dân và doanh nghiệp khiến không đủ nguồn thu để trả cho các khoản vay khi xây dựng. Tất nhiên, nợ nần chỉ là một trong những thách thức để khởi động lại thành phố từ con số 0. Một đô thị sống cần phải có con người, trường học và bệnh viện dù là ở mức tối thiểu để tồn tại và phát triển.
Rất khó có thể hình dung các "thành phố ma" nổi tiếng ở Trung Quốc đang thu hút cư dân đến sống ra sao. Các dữ liệu của chính phủ Trung Quốc đều không được công bố, trong khi các nghiên cứu độc lập thì ít ỏi. Điều rõ ràng là các chính quyền địa phương này đã đầu tư không ít tiền của vào những dự án này trong nhiều năm.
Có thể trong ngắn hạn, không phải tất cả những thành phố này đều chịu chung số phận. Nhưng nói đến quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc, cuộc chơi vẫn còn rất dài.
Nhật Linh
Theo Bloomberg