Fica
  1. Bất động sản

Thiếu dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản lo sẽ "chết" trên đống tài sản

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Giãn cách tiếp tục kéo dài khiến sức chịu đựng của các doanh nghiệp, sàn giao dịch và môi giới bất động sản giảm dần. Đáng chú ý, dòng tiền thiếu hụt kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp "chết" trên đống tài sản.

Áp lực về dòng tiền

Chia sẻ mới đây tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid 19: Giải pháp và kiến nghị", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, cho biết về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Thứ nhất là do thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, các kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư ngưng trệ. Kéo theo đó, doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với dịch.

Thiếu dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản lo sẽ chết trên đống tài sản - 1

Một dự án chung cư ở quận Hoàng Mai đang phải dừng thi công để phòng dịch Covid-19 (Ảnh: M.K).

Đồng nghĩa với đó, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về sự chậm trễ tiến độ dự án. Dự án sẽ khó có thể bàn giao sớm hoặc đúng tiến độ.

Đáng chú ý, việc đảm bảo dòng tiền xuyên suốt duy trì hoạt động là cực kỳ quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn dài hạn. 

Tuy nhiên, trong khi doanh thu ngưng trệ mà chi phí vẫn phải chi ra thì doanh nghiệp sẽ gặp áp lực. Đã không thu về lợi nhuận mà lãi suất ngân hàng và lãi từ vay các nguồn khác vẫn phải trả theo tháng đương nhiên là một thách thức cho doanh nghiệp.

Bà Hương nhấn mạnh: "Dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng giống như oxy cho người bệnh. Nếu không có dòng tiền thì doanh nghiệp sẽ chết. Và, nếu tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra, thì doanh nghiệp bất động sản sẽ "chết" trên đống tài sản".

Áp lực lãi suất

Theo đó, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý IV năm nay. Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên, cũng rất cần đến vốn vay để trả lương. Hiện nay nguồn vốn vay để trả lương mà các doanh nghiệp tiếp cận được rất thấp.

"Với cương vị doanh nghiệp bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy ngoài gói tín dụng cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý IV năm nay cũng như năm 2022", bà Hương nhấn mạnh.

Thiếu dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản lo sẽ chết trên đống tài sản - 2

Ngoài Hà Nội, nhiều dự án ở Bắc Ninh đang gặp khó khăn khi bị hạn chế môi giới, tiếp xúc nhà đầu tư.

Bà Hương cho biết thêm, bất động sản có cơ hội vượt qua được đợt bão dịch bệnh Covid lần này cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế và phát triển của các ngành nghề liên quan. Một đồng ngân sách chi ra để giúp hồi phục nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ trả lại cho ngân sách 3 đồng, thậm chí 5 đồng trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán, các hoạt động tiếp xúc và tư vấn khách hàng không thể thực hiện.

Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác.

Lãnh đạo Hội Môi giới nêu kiến nghị, Chính phủ cần giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 70% trong năm nay), thuế thu nhập cá nhân (giảm 50% trong 3 quý cuối năm), hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động lại. Đồng thời, đẩy mạnh quan tâm đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các khu vực tình hình dịch bệnh phức tạp và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Dân Việt

Tin liên quan