Fica
  1. Bất động sản

Quy định giao dịch BĐS 300 triệu đồng phải báo cáo: Dư địa cho giấy phép con

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Mới đây, hàng loạt các văn bản của Bộ Xây dựng quy định như: Doanh nghiệp phải báo cáo việc người dân giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên; Cho phép doanh nghiệp nhận đặt cọc giữ chỗ... được cho là rất vô lý. Nhiều ý kiến cho rằng dường như bộ này đang "phức tạp hóa vấn đề".

Quy định giao dịch BĐS 300 triệu đồng phải báo cáo: Dư địa cho giấy phép con - 1

Bộ Xây dựng vừa có văn bản chỉ đạo sở xây dựng các địa phương yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản (BĐS), môi giới, sàn giao dịch BĐS lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên. Lý do: nhằm phòng chống giao dịch có dấu hiệu rửa tiền.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng. Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT, Công ty Quản lý Nhà toàn cầu (Global Home) chỉ ra quy định giao dịch BĐS bằng tiền mặt có giá từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo sẽ “đẻ” thêm giấy phép con khiến doanh nghiệp tìm cách lách. Cụ thể, như họ sẽ ghi trong hợp đồng giao dịch mua bán không phản ánh đúng giá trị của BĐS giao dịch hay  chỉ ghi là góp vốn đầu tư.

“Có thể dùng giải pháp đơn giản và hiệu quả hơn như bắt buộc tất cả các giao dịch BĐS đều phải chuyển khoản qua ngân hàng. Khi các giao dịch này qua ngân hàng sẽ dễ phát hiện những hoạt động có dấu hiệu rửa tiền, giống như cơ quan thuế đang quản lý”, ông Thành nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM quy định, giao dịch môi giới bất động sản có giá trị từ 300 triệu trở lên phải báo cáo mà Bộ Xây dựng đưa ra còn nhiều hạn chế. Bởi đối tượng phải báo cáo là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý, môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS cũng mới chỉ phản ánh được một phần giao dịch trên thị trường. Trong khi hiện nay, các nhà đầu tư cũng có thể bán trực tiếp cho người mua theo quy định trong Luật Kinh doanh BĐS năm 2014. Song song với đó, quy định cũng chưa bao quát được hết tất cả giao dịch BĐS khác, như giao dịch nhà lẻ trong dân, nhất là nhà mặt tiền có giá trị rất lớn từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Văn bản “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

Giữa tháng 6/2019, Công an tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh này về việc đề nghị xử lý Cty CP bất động sản Hải Phát và phối hợp kiểm tra một số doanh nghiệp có dấu hiệu huy động vốn trái phép thông qua hình thức rao bán căn hộ tại dự án Sunbay Park. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Ninh Thuận còn phát đi cảnh báo về việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đầu tư tại dự án SunBay Park để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 5/7/2019, Bộ Xây dựng lập tức có văn bản số 153 gửi Công ty Cổ phần SunBay Ninh Thuận. Trong văn bản này, Bộ Xây dựng cho rằng, nếu mục đích của thỏa thuận đặt mua chỉ là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán các sản phẩm là BĐS (sau khi các sản phẩm này đủ điều kiện được mua bán theo quy định của pháp luật) sẽ được chủ đầu tư và bên mua ký kết; Chủ đầu tư cam kết không sử dụng tiền thỏa thuận đặt cọc sai mục đích, không sử dụng tiền đặt cọc để huy động vốn thì không bị cấm theo quy định của pháp luật. “Pháp luật về dân sự và pháp luật về nhà ở không có quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải xin ý kiến thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện việc đặt cọc theo đúng quy định của pháp luật”, văn bản của Bộ Xây dựng cho biết.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Xây dựng có văn bản “lạ”  như một phao cứu sinh cho doanh nghiệp. Trước đó, Bộ Xây dựng từng ra văn bản đồng ý trước đề xuất của Cty Hapulico (Hà Nội) rằng: Hội nghị nhà chung cư thay vì họp, biểu quyết trực tiếp các vấn đề tại cuộc họp bằng việc lấy ý kiến các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tại dự án bằng văn bản. Đề xuất của Cty Hapulico là chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, khi đó, Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất của Cty Hapulico là “phù hợp”. Điều này vô tình làm nảy sinh hàng loạt mâu thuẫn giữa ban quản trị và cư dân tại khu chung cư Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho rằng, Bộ Xây dựng ra văn bản hướng dẫn gửi doanh nghiệp phải hiểu là động thái làm rõ hơn những vấn đề còn chưa rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Xây dựng không thể lấy văn bản này làm căn cứ để thực hiện những vấn đề do luật và văn bản quy phạm pháp luật đã quy định. Việc ra công văn trả lời của bộ có nội dung trái các văn bản quy phạm pháp luật là sai. Việc chủ đầu tư, UBND lấy đó làm căn cứ cũng là sai.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong