Fica
  1. Bất động sản

Lo ngại "sóng" địa ốc bùng phát trở lại sau dịch

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư chủ động gom đất chờ sóng mới, nhưng không ít chuyên gia cảnh báo về rủi ro có thể xảy ra.

"Gom" đất trong dịch

Ngay sau khi cơn "sốt đất" tại một số địa phương được cơ quan chức năng cảnh báo, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp. Nhu cầu tìm kiếm và giao dịch bất động sản tại khá nhiều thị trường đang có sự chững lại rõ rệt ở hầu hết các thị trường.

Thống kê của một kênh thông tin bất động sản cho thấy, trong tháng 5 lượng quan tâm về đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là những khu vực có số ca mắc Covid-19 cao giảm 19% so với tháng 4.

Tuy nhiên, trên thị trường bất động sản vẫn ghi nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư sành sỏi. Theo chia sẻ của một số đầu tư, họ không chỉ muốn bổ sung thêm sản phẩm tốt vào giỏ hàng kinh doanh mà còn đợi chờ thời điểm dịch được kiểm soát, họ có đủ hàng tốt để đẩy ra thị trường, kịp đón sóng và chốt lời.

Lo ngại sóng địa ốc bùng phát trở lại sau dịch - 1

Nhiều nhà đầu tư sành sỏi vẫn gom đất nền giữa mùa dịch (Ảnh: T.K).

Thế nhưng, lượng nhà đầu tư mạnh tay ôm hàng này không lớn. Họ chủ yếu là những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, sở hữu nguồn vốn lớn.

Anh Nguyễn Văn Thuận - một môi giới bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, trong giai đoạn này, nhà đầu tư đang có xu hướng gom được nguồn hàng tốt xung quanh vùng ven Hà Nội. "Lượng khách hàng quan tâm không quá lớn, có phần sụt giảm so với trước khi dịch bùng phát nhưng nhà đầu tư F1 muốn ôm buôn hàng lại xuất hiện nhiều", anh Thuận nói.

Ngoài ra, theo giới đầu tư, ngay khi Hà Nội có thông báo cho mở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, ăn uống, các nhà đầu tư càng lạc quan tin tưởng vào sóng địa ốc sẽ bùng trở lại sớm. Thêm nữa, khi chương trình tiêm vaccine cộng đồng đang được đẩy mạnh thì mọi hoạt động sản xuất sẽ quay trở lại quỹ đạo thông thường. Thông tin này càng củng cố niềm tin cho những nhà đầu tư đang gom hàng hiện nay.

Bên cạnh đó, đây là thời điểm vàng cho nhà đầu tư ôm hàng nếu họ không cần sử dụng đòn bẩy tài chính. Dịch kéo dài sẽ khiến một số nhà đầu tư vốn yếu buộc phải "nhả" hàng đẹp, và với ai có tiền sẽ dễ dàng gom được.

Chuyên gia lo ngại

Nhìn từ động thái của các nhà đầu tư gom hàng, với số lượng sản phẩm lớn thì nguy cơ đẩy giá và thiết lập mức giá cao hơn so với giá trị thực, "thao túng" thị trường địa ốc, tạo nên cơn sốt đất cục bộ là điều có thể xảy ra khi dịch được kiểm soát.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản thẳng thắn chỉ ra, bất ổn của cơn sốt đất vừa qua đến từ tình trạng làm giá của đội "cò đất".

Lo ngại sóng địa ốc bùng phát trở lại sau dịch - 2

Nhà đầu tư tìm hiểu các sản phẩm đất nền tại dự án bất động sản ở Hải Dương (Ảnh: T.K).

"Nếu cơn sốt đất xảy ra thì nhà đầu tư có thể hưởng lợi, đẩy hàng nhanh, chốt lời sớm nhưng thực tế, các nhà đầu tư đều dần trưởng thành, khôn ngoan trong bỏ vốn. Họ sẽ không chấp nhận bỏ tiền vào mức giá quá cao so với giá trị thực tế", ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, các địa phương cũng thắt chặt khâu làm giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản, kể từ cơn sốt đất cục bộ vừa qua. Đây là những kịch bản mà các nhà đầu tư ôm đất cần xem xét và cẩn trọng. Bởi nếu không, bên cạnh trường hợp bị chôn vốn, nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng phá sản trong trường hợp thị trường đi xuống, sản phẩm khó thanh khoản ngay cả khi bán tháo.

Luôn đặt mục tiêu quản trị rủi ro lên hàng đầu trong bài toán kinh doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhà đầu tư phải cẩn trọng vì diễn biến của Covid-19 lần thứ 4 vẫn còn dấu hiệu phức tạp.

Trong khi đó, thị trường bất động sản đang "đóng băng" và đã sẵn tiềm ẩn rủi ro, bất ổn. Ngay cả doanh nghiệp bất động sản lớn còn đang phải đối mặt với tình trạng tồn hàng, suy giảm sức đề kháng vì dịch.

"Kịch bản thị trường bất động sản khó lạc quan như những lần trước khi Covid-19 lắng xuống, sóng địa ốc bùng lên. Nếu nhà đầu tư gom hàng, dịch bệnh tiếp diễn kéo dài thì nguy cơ có thể dẫn tới chôn vốn và phá sản", ông Hiếu đặt ra lo ngại.

Theo Minh Khôi
Dân Việt