Fica
  1. Bất động sản

Bất động sản hậu cần nóng nhờ thương mại điện tử "bùng nổ"

Phương Dung
Phương Dung

Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố báo cáo tổng quan về tiềm năng của thị trường bất động sản hậu cần (logistics) Việt Nam trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ rộng khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Báo cáo của JLL cho thấy, tại Việt Nam, cùng với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh và mức độ phủ sóng mạng 4G ngày càng mở rộng, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Theo đó là nhu cầu cũng như áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.

JLL đánh giá, logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

So với các nước khác trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, phát triển tại khu vực xa trung tâm. Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất, thị trường logistics Việt Nam được mong đợi sẽ bước lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển của thị trường này, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng nêu ra một số thách thức đối với bất động sản logistics Việt Nam. Thách thức thứ nhất là mức chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Việc phát triển được một hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt vẫn còn là một chặng đường dài. Vẫn có nhiều dự án giao thông vận tải bị chậm tiến độ do sự chậm trễ trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, huy động vốn cũng như mô hình hợp tác công tư (PPP) chưa đem đến được nhiều thành công như mong đợi.

Thách thức thứ hai là quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả về thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Theo báo cáo “Doing Business 2018” của World Bank, hiện Việt Nam đang mất 105 giờ để xuất khẩu sản phẩm có lợi thế so sánh và và 132 giờ để nhập khẩu phụ tùng ôtô, dài hơn đáng kể so với 62 giờ đối với xuất khẩu và 54 giờ nhập khẩu tại Singapore.

Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Trong tổng số, chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% so với chỉ 10-15% ở các nước phát triển như Singapore.

Theo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017-2018, Việt Nam đạt mức tăng tương đối khiêm tốn, đạt hạng 55 và theo sát sau là Philippines (hạng 56). Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần nỗ lực để đạt được cải tiến trên tất cả phương diện, đặc biệt là ở các chỉ số trong Nhóm các yêu cầu căn bản (thứ 75), đặc biệt là hạng mục Giáo dục đại học và đào tạo (thứ 84) trong bối cảnh việc thiếu lực lượng lao động có trình độ cao đang là trở ngại cho hoạt động kinh doanh.

Phương Dung