Fica
  1. Xe 360

  2. Thị trường

Giá dầu tăng nhanh do lo ngại nguồn cung

Phương Liên
Phương Liên

Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp, khi các nhà giao dịch nhận định Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhất trí duy trì việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới, sau khi giá dầu thô giảm trong tuần trước xuống các mức thấp nhất trong 4 tháng.

Giá dầu tăng nhanh do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung sâu hơn để hỗ trợ giá. Trong 4 tuần gần đây, giá dầu đã giảm liên tiếp do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông giảm bớt.

Giá dầu WTI giao tháng 12 tăng 1,71 USD lên 77,6 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 1 năm sau cũng tăng 1,71 USD lên mức 82,32 USD/thùng.

Giá của cả 2 loại dầu chủ chốt đã tăng nhẹ sau khi hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin của OPEC+ cho hay tổ chức này đang xem xét cắt giảm thêm nguồn cung dầu trong cuộc họp vào ngày 26/11 tới.

Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), các mô hình thống kê của họ đối với các quyết định của OPEC+ cho thấy không loại trừ khả năng tổ chức này cắt giảm thêm sản lượng, khi dự trữ dầu tăng cao hơn dự kiến. 

Trong 4 tuần gần đây, giá dầu đã giảm liên tiếp do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông giảm bớt (Ảnh: Freepik).

Theo nhà phân tích thị trường tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn The Price Futures Group, nhiều khả năng OPEC sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng, nhưng cũng có nhận định OPEC sẽ cắt giảm mạnh hơn, do xung đột tại Trung Đông cũng như tình trạng đầu cơ.

Goldman Sachs dự báo OPEC+ sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng như hiện nay trong năm 2024, đồng thời quyết định cắt giảm riêng 1 triệu thùng mỗi ngày của Arab Saudi sẽ tiếp diễn đến quý II năm sau và được điều chỉnh dần từ tháng 7. 

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi tín hiệu bổ sung nguồn cung từ một số quốc gia. Hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần trước đã tăng 6 giàn lên mức 500 giàn. 

Bên cạnh đó, Nga cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng. Động thái này diễn ra sau khi Nga dỡ bỏ hầu hết hạn chế đối với xuất khẩu dầu diesel vào tháng trước.

Huỳnh Anh