Trước đó, Bộ Công Thương có báo cáo về tình hình xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, trong đó có đề cập đến khối lượng tro, xỉ nhiệt điện tồn dư lượng lớn không thể xử lý được.
Tro xỉ nhiệt điện được khuyến khích tái sử dụng để san lấp mặt bằng |
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kết luận về vấn đề xử lý tro, xỉ của các dự án nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại Thông báo số 380/TB-VPCP ngày 28/9/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung theo các Chỉ thị và Quyết định của Chính phủ đã ban hành.
Trước đó, tại một văn bản chỉ đạo khác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện hiện hữu đã vào khoảng 12,2 triệu tấn/năm.
Hiện cả nước có hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động; theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (đã được Chính phủ phê duyệt năm 2016), đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 50 nhà máy nhiệt điện, đa phần ở Nam Trung bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cuối năm 2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý tro, xỉ và thạch cao các nhà máy nhiệt điện theo hướng khuyến khích tái sử dụng và đảm bảo giảm ô nhiễm môi trường, tác động đến người dân.
Với tốc độ phát triển mỗi năm từ 12 - 15 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện, các kho, bãi chứa tro xỉ vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 100 triệu tấn; năm 2025 đến 2030 con số này có thể lên đến 200 đến 340 triệu tấn. Nếu không được xử lý và tái sử dụng, số tro xỉ này sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm lớn cho đất, nước và an sinh của người dân.
An Linh