Fica
  1. Thời sự

Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Tìm đến sự cân bằng mới, không phải tàn sát lẫn nhau!

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc đang có những diễn biến kịch tính khi hai bên đáp trả trừng phạt thuế vào nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, cuộc chiến này chưa hẳn đã dừng lại bởi đây mới chỉ dò dẫm nhau trong cuộc chiến đi tìm một trạng thái cân bằng mới của thế giới.

Phóng viên Dân Trí đã phỏng vấn doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và đo lường với Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt

Dấu hiệu của sự đối đầu toàn diện

Thưa ông, xin ông cho biết cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc liệu sẽ đi đến đâu, đích đến của Mỹ có hẳn là kinh tế hay là do họ muốn kìm hãm sự nổi lên trông thấy của Trung Quốc trên trường quốc tế?

- Về hình thức đây là sự xung đột kinh tế, còn bản chất là sự xung đột ảnh hưởng. Nói chung người Mỹ muốn kìm hãm Trung Quốc và người Trung Quốc cũng muốn làm giảm bớt địa vị độc tôn của nước Mỹ trên thế giới.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới cho rằng chiến tranh lạnh kết thúc với quan niệm chiến tranh lạnh là một hiện tượng nhất thời, nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ chiến tranh lạnh là một biểu hiện cơ bản của trạng thái cân bằng trong hòa bình của thế giới. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Mỹ nói đến thế giới đơn cực, tức là nước Mỹ trở thành cường quốc duy nhất, nhưng tôi cho rằng không phải thế.

Sau khi Liên Xô tan rã thì thế giới sẽ hình thành một cực khác để tiếp tục quay trở về trạng thái lưỡng cực. Trạng thái lưỡng cực ấy rồi cũng sẽ tiệm cận đến chiến tranh lạnh một lần nữa. Những biểu hiện ban đầu của cuộc chiến hiện nay đã có dấu hiệu của sự đối đầu toàn diện chứ không phải chỉ đối đầu về thương mại.

Xung đột thương mại hiện nay là một cuộc chiến để đi tìm một trạng thái cân bằng mới của thế giới. Hai bên đều dò dẫm để tìm đến một sự cân bằng mới chứ không phải là đi đến chỗ tàn sát lẫn nhau.

Có lẽ mỗi bên đều sẽ dừng ở một ranh giới phù hợp với thế lực thật của mình. Trên thế giới cũng chưa ai đo thế lực thật của Mỹ, của Trung Quốc hay của Liên Xô trước kia. Mỗi bên đều bịa ra những ưu thế của mình, các ưu thế ấy dường như là sự thổi phồng sức mạnh của mỗi bên trong đối đầu lưỡng cực.

Vậy, nếu có cuộc chiến về địa chính trị và kinh tế giữa Mỹ và một cường quốc còn lại trong khi thế giới đã ở thời đại quốc tế hoá, toàn cầu hóa cao, cuộc tranh giành địa chính trị - kinh tế này sẽ ra sao?

- Bây giờ do toàn cầu hóa, do sự đan xen vào nhau của các quá trình phát triển cho nên thế giới có cơ hội đo lường cụ thể hơn.

Trước đây trong chiến tranh lạnh có các bức màn sắt, mỗi phe đều có các ranh giới "cứng" để bên ngoài khó xâm nhập một cách tự nhiên vào mình, nhưng bây giờ do toàn cầu hóa và do sự phát triển kinh tế cho nên mỗi bên đều xâm nhập vào nhau, mỗi bên có điều kiện để đo đạc sức mạnh của nhau trong kinh tế cũng như trong quân sự.

Chính vì thế cuộc đối đầu này sẽ kéo dài và toàn diện, không đi đến chỗ tàn phá lẫn nhau nhưng đi đến một sự cân bằng nào đó cùng với thời gian mới rõ dần ra được.

Nhiệm vụ của chúng ta là quan sát kỹ hiện tượng này, bởi nó có ảnh hưởng đến các nước chúng ta. Đối với chúng ta, sự đối đầu của Nga với Mỹ khác sự đối đầu của Trung Quốc với Mỹ, bởi vì chúng ta là hàng xóm sát sườn của Trung Quốc.

Do sự sát sườn như vậy cho nên độ tự do của chúng ta trong quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây sẽ khó hơn một chút và chúng ta buộc phải cẩn thận.

Trước đây, chúng ta nói là đa phương hóa, đa dạng hóa, nhưng bây giờ trong chiến tranh thương mại các thế lực quốc tế mạnh đã sử dụng công cụ “trừng phạt”. Người ta trừng phạt một cách rất tinh khôn, phạt cả cá nhân lẫn tổ chức, thậm chí không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả cấp độ đảng chính trị.

Các diễn biến quốc tế đều rất phức tạp và chúng ta phải cẩn thận, bởi nó diễn ra không phải trong sự cân bằng chính trị thông thường, mà là cân bằng chính trị trong trạng thái trừng phạt của các bên với nhau.

Mỹ không muốn Trung Quốc tranh giành các nguồn lực phát triển

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nhiều nguyên nhân. Một số chuyên gia nói rằng, sự mạnh lên của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị đã và đang trở thành mối đe dọa với Mỹ, ông có đồng tình với quan điểm này?

-Sự mạnh lên của Trung Quốc gây lo ngại kinh tế với Mỹ, vì hai bên sẽ tranh giành thị trường của nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau, tranh giành khả năng bán hàng của nhau và tranh giành khả năng chiếm dụng các nguồn nhiên liệu trên thế giới.

Hay nói cách khác, sự mạnh lên của Trung Quốc sẽ phát triển là một quá trình tranh giành các nguồn lực phát triển. Điều này Mỹ không hề mong muốn.

Trung Quốc có chiến lược một vành đai, một con đường, họ đổ vốn đầu tư khắp các nước để tăng ảnh hưởng. Họ đầu tư một loạt cảng biển Nam Á, Tây Á và châu Phi, nhiều trong số đó được kết hợp mục tiêu kinh tế với nhiệm vụ chính trị, quân sự. Điều này có phải là một nỗi lo đối với nước Mỹ từ kinh tế lẫn chính trị?

-Sức mạnh của bên này luôn luôn là nỗi lo của bên kia, đấy là quy luật thông thường, đây là cách nói cách chung chung. Các nước trên thế giới quan hệ với nhau thông qua các hiệp định thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTA).

Trong tất cả các FTA đều có một điều không thiếu được là cân bằng lợi ích. Nhưng rõ ràng sự va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là sự va chạm trên các hiệp định hẹp mà là sự va chạm trên quy mô toàn cầu. Đây là hiện tượng rất thú vị để quan sát cũng như rất phức tạp để tìm hiểu, cho nên phải quan sát thận trọng.

Các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc thường lấy kinh tế làm tiền đề để thực hiện các tham vọng chính trị, điều này có khác với Mỹ hay các nước phương Tây không?

- Các nước phương Tây làm điều này từ vài thế kỷ trước, trong quá trình thực dân hóa các vùng đất, biến các vùng đất thành thuộc địa của mình.

Người Mỹ là một đế quốc mới, cũng chưa có nhiều thuộc địa, như người Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Các đế quốc phương Tây đã chiếm dụng các vùng đất trên khắp thế giới từ lâu. Vì thế cho nên nếu người ta có kêu ca Trung Quốc làm thế này, thế kia thì cũng chưa nhiều bằng những việc các nước phương Tây đã làm trong lịch sử lâu dài hàng thế kỷ.

Có những động thái từ phía Trung Quốc thì đấy cũng là mong muốn của họ muốn dành lại những gì đã bỏ lỡ trong lịch sử. Một quốc gia phát triển đi tìm các thị trường mà trước đây nó không đủ năng lực để có, ví dụ thị trường châu Phi.

Theo ông việc áp thuế cao với một lượng hàng hóa lớn của Trung Quốc có phải là cách thức tốt nhất mà Mỹ có thể làm hiện nay để đối phó với Trung Quốc?

- Đấy là cách duy nhất có thể dùng ngay được bây giờ. Người Mỹ muốn đòi lại sự cân bằng đã đánh mất do sự mất cảnh giác của họ ở các giai đoạn chính trị khác nhau.

Có thể vào những giai đoạn trước thì cán cân thương mại chưa phải là lợi ích chủ yếu của các nước phương Tây ở Trung Quốc. Chỉ cần xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một ít thôi thì cũng đã có lợi cho Mỹ và phương Tây.

Tôi đã đến Mỹ từ rất sớm, từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 và chứng kiến người ta hô hào nhau đến Trung Quốc như thế nào. Trường đại học Harvard đã có cả một trung tâm nghiên cứu về phương Đông và chủ yếu là nghiên cứu về Trung Quốc.

Nghiên cứu Trung Quốc để thâm nhập vào đấy là một hoạt động có từ lâu và là hoạt động chủ động của người Mỹ. Nhưng giai đoạn ấy hoạt động thương mại chưa rõ, mà chủ yếu là hoạt động đầu tư.

Bây giờ, sau 30-40 năm phát triển của toàn cầu hóa thì cân bằng lợi ích cơ bản giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc chính là cân bằng thương mại. Vì vậy mà Tổng thống D.Trump đã chọn thương mại để cân bằng lại lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc bây giờ cũng không cần tiền như trước đây cho nên họ không kêu gọi đầu tư từ Mỹ mà xem Mỹ là chỗ bán hàng. Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa thì vấn đề cân bằng thương mại trở thành vấn đề chính trị chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có hiện tượng các nhà đầu tư Mỹ sau một thời gian làm ăn ở Trung Quốc thì họ rút đi, vì một số sản phẩm Mỹ không được ưa dùng ở Trung Quốc, ví dụ như Google, Facebook. Điều đó gây ảnh hưởng gì?

- Người Trung Quốc không ưa và chính phủ Trung Quốc không ưa thích là hai việc khác nhau!

Google là một loại dịch vụ, không phải là hàng hóa, cho nên nó gắn liền với khái niệm khác là tự do truyền thông. Người Trung Quốc rất ưa dùng các sản phẩm của Mỹ và điều ấy trở thành nỗi khó chịu của chính phủ Trung Quốc.

Nói đến các dịch vụ mạng xã hội là nói đến vấn đề tự do truyền thông vào nhau giữa các quốc gia, nó không đơn thuần là bán hàng, mặc dù nó cũng thể hiện dưới hình thức bán dịch vụ.

Nhưng thực tế thì có rất nhiều sản phẩm của phương Tây không được chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc chào mừng như McDonals, Starbuck ở Trung Quốc rất kém phát triển so với các nước ở Đông Nam Á?

- Đấy là cái chúng ta buộc phải suy nghĩ. Chúng ta không ngăn cản ảnh hưởng của các sản phẩm phương Tây trên đất nước mình và Trung Quốc ngăn cản ảnh hưởng ấy, cách nào đúng chúng ta chưa biết được.

Chúng ta không phải là một nhà sản xuất có ưu thế, chúng ta không cạnh tranh được với các hàng hóa của Mỹ, còn Trung Quốc là một nhà sản xuất, dần dần họ trở thành một nhà sản xuất lớn, công xưởng của thế giới cho nên họ buộc phải ngăn cản người Mỹ bán hàng để còn bán hàng của mình.

Có thể vì chúng ta không có hàng hóa để bán cho nên chúng ta không có nhu cầu ngăn cản từ bây giờ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Còn nữa...

Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)