Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra kế hoạch xin Chính phủ cho xuất hơn 2 triệu tấn than trong năm 2019 do TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện. Số than này chủ yếu là than cám loại 1, 2 và 3 với khối lượng 1,32 triệu tấn, cùng hơn 700.000 tấn than cục.
Bộ Công Thương xin xuất hơn 2 triệu tấn than ế!?
Cùng với kế hoạch xuất khẩu than, Bộ Công Thương cho biết kế hoạch nhập khẩu than của hai ông lớn kể trên dành cho mục tiêu sản xuất điện năm 2019 sẽ là 8 triệu tấn.
Chủng loại than nhập là than antraxit chiếm khoảng 18% (chủ yếu được nhập từ Nam Phi), than bán antraxit là 39% (Nga và Úc); còn lại là than bitum và á bitum từ Úc, Indonesia và Nga.
Bộ Công Thương khẳng định, so sánh loại than xuất khẩu và nhập khẩu là khác nhau, loại than mà Việt Nam xuất khẩu không phải loại đang phải nhập khẩu nên việc xin xuất khẩu than là phù hợp với quan điểm phát triển của ngành.
Bộ Công Thương lý giải, năm 2017 - 2018, kế hoạch của TKV và Tổng công ty Đông Bắc sẽ xuất khẩu hơn 4 triệu tấn than, bao gồm 2 triệu tấn than cục, than cám loại 1, 2, 3 sang Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Hơn 2 triệu tấn than cám mà trong nước ít sử dụng cho Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hiện chỉ xuất được hơn 50.000 tấn than cám của công ty Vàng Danh - Uông Bí, còn TKV và Tổng công ty Đông Bắc hai năm qua không xuất khẩu được, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp.
"Cân đối như cầu than hiện nay, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám loại 1,2,3 khoảng 2,1 triệu tấn", văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2018 Việt Nam nhập khẩu hơn 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là bitum, á bitum. Trong khi hai đầu mối nhập khẩu chính là TKV và Tổng công ty Đông Bắc chỉ nhập số lượng chính thức ít ỏi thì hầu hết lượng nhập than là của các đơn vị khác là các công ty nhiệt điện, luyện kim cán thép lớn như Formosa cũng đều được phép nhập khẩu theo kênh riêng.
An Linh