Ngày 28/7, Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiệm kỳ 2021-2025.
Cần phải nói thêm rằng, đây là nhiệm kỳ thứ hai ông Thể đảm nhiệm cương vị trưởng ngành GTVT. Trước đó, tháng 10/2017, ông Thể được bổ nhiệm lần đầu tiên vào "ghế nóng" Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiệm kỳ 2016-2021.
Không ít người quan tâm đặt câu hỏi vừa ngồi vào "ghế nóng", Bộ trưởng Giao thông làm việc gì đầu tiên? Vấn đề này được đưa ra trong bối cảnh ngành GTVT thời gian qua đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mà nguyên nhân cả do chủ quan và khách quan.
Đơn cử như tình hình dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn thi công của nhiều công trình trọng điểm, các dự án giao thông cấp bách chậm tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể đưa vào khai thác thương mại, hoạt động vận tải hàng không lao đao vì dịch, nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công...
Ông Nguyễn Văn Thể được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiệm kỳ 2021-2025 (Ảnh: Quốc Chính).
Ngày 29/7, việc làm đầu tiên của ông Nguyễn Văn Thể trên cương vị Bộ trưởng GTVT vừa được phê chuẩn là chủ trì cuộc họp giao ban tháng 7, tại trụ sở Bộ GTVT.
Tại cuộc họp này, ông Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trong đó các thủ trưởng, tập thể lãnh đạo các đơn vị phải tiếp tục rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, quyết liệt trong chỉ đạo và hành động, đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, lĩnh vực mình quản lý.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công và tiến độ các dự án, trong đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.
"Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc trong việc phòng chống dịch, xây dựng phương án 3 tại chỗ cho cán bộ, công nhân công trường; kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào công trường; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường trang thiết bị, nhân lực, bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm quốc gia" - ông Thể nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các dự án giải ngân chậm để điều hòa vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn; mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021.
Về chất lượng các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là "ưu tiên số một" và giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám chặt chẽ; xử lý ngay tồn tại, vướng mắc; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình .
Bộ trưởng GTVT cho biết, Quốc hội khóa XV đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 vì vậy yêu cầu Vụ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lên kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, giao Vụ Đối tác công tư phối hợp với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 6 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét và báo cáo Quốc hội.
Trong 7 tháng, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương đến hết tháng 7 là 28,6%. Như vậy, Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án quan trọng quốc gia: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TPHCM - Chơn Thành, vành đai 4 TP Hà Nội, vành đai 3 TPHCM, Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, Buôn Ma Thuột - Vân Phong.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam: Hoàn thành ký kết và đã triển khai thi công trên hiện trường 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm đầu tư theo hình thức PPP. Ngày 30/7, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo và bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng để triển khai thi công.
Hai dự án chuyển đổi đầu tư công là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và đã triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 7.
Châu Như Quỳnh