Việc “nằm chờ" ở cảng trong một thời gian khiến những doanh nghiệp này đang chịu gánh nặng chi phí lên tới hàng tỷ đồng.
Ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có báo cáo nhanh về tình hình khai báo hải quan của các hội viên trong Hiệp hội là thương nhân xuất khẩu gạo sau khi văn bản số 1106 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ lúc 0h ngày 11/4.
Đề cập đến vụ mở tờ khai lúc “nửa đêm" của hải quan, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ngoài việc nhiều thương nhân không nhận được thông tin chính nào từ phía cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở hệ thống đăng ký tờ khai, họ còn gặp nhiều vấn đề bất cập khác mà chưa giải thích được.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội lương thực, từ ngày 24/4/2020 đến ngày 10/4/2020, phía cơ quan hải quan đã nắm rất rõ về việc có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng ký tờ khai hải quan cũng như không thông quan được sau lệnh dừng thông quan hôm 24/3 của Tổng cục Hải quan.
Việc “nằm chờ" ở cảng trong một thời gian khiến những doanh nghiệp này đang chịu gánh nặng chi phí lên tới hàng tỷ đồng.
Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp trong vụ mở tờ khai lúc nửa đêm, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị giải quyết các vấn đề này.
Trước hết, Hiệp hội kiến nghị giải toả toàn bộ lượng gạo hàng hoá đã sẵn sàng tại các cảng.
Kiến nghị này nhằm tạo điều kiện cho các thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hoá đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể. Số lượng thực tế không vượt quá 300.000 tấn.
Hiệp hội cũng kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lại gạo nếp và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn số lượng do thực tế phân khúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu lương thực trong nước.
Hiệp hội cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét tạo điều kiện phân luồng xanh và luồng vàng cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để được thông quan nhanh chóng.
Vì phân luồng toàn bộ các lô hàng sẽ dẫn đến tình trạng mất rất nhiều thời gian thông quan và chi phí phát sinh cho việc kiểm hoá kéo theo rất tốn kém và có thể khiến tình trạng tiêu cực xảy ra.
Song song đó, vẫn phân luồng đỏ và thực hiện kiểm hoá chặt chẽ, minh bạch đối với những tờ khai nghi ngờ khai khống giành chỗ trước và những tờ khai chưa có thông tin tên tàu chính xác, tàu chưa cập phao.
Về hạn ngạch 400 nghìn tấn được mở tờ khai vào lúc 0h, Chủ nhật ngày 12/4, Hiệp hội lương thực cũng đã kiến nghị một loạt những giải pháp cụ thể.
Theo đó, đối với hàng container: Tiến hành kiểm hoá thực tế đối với các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal thực tế của container hàng có đúng với số container, số seal đã được truyền qua mạng để mở tờ khai hay không. Tuỳ thực tế có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng thực tế bị tồn đọng tại các cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữa lượng hạn ngạch.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền liên quan ngay lập tức cần áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hoá, số container và số seal của container hàng đã đóng xong như đã khai báo.
Huỷ toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hoá khi kiểm hoá.
Phối hợp với các cảng (nếu có thể) để nắm bắt số lượng các container tồn bãi của từng thương nhân và tiến hành các thủ tục nghiệp vụ hải quan để thông quan.
Ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan cho các thương nhân có tàu đã vào cảng nhận hàng trước và trong ngày 12/4/2020 để các thương nhân tranh thủ xếp hàng nhanh, tránh bị phạt tàu.
Huỷ toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện tình trạng không có tàu tại phao, khai khống số lượng và không xuất trình được hàng hoá khi kiểm hoá của các thương nhân.
Đối với bất kỳ lượng hạn ngạch nào bị huỷ, ngay lập tức phải được chuyển ưu tiên cho các lô hàng đã sẵn sàng ngoài cảng nhưng việc đăng ký tờ khai chưa thành công.
Hiệp hội cũng cho rằng Tổng cục Hải quan cần phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để cục hải quan địa phương, chi cục hải quan cửa khẩu và thương nhân biết thực hiện.
Từ góc nhìn ngoại thương, Hiệp hội cho rằng các thương nhân quy mô vừa và nhỏ lại những thương nhân đóng góp tích cực và đáng kể cho công cuộc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Do đó, bối cảnh hiện nay đã làm cho nhóm các thương nhân này thực sự bị trở ngại rất lớn và buộc cơ quan phải nhìn nhận lại cho phân lhucs này. Cần cân nhắc đến các phương án kỹ thuật cho các thương nhân này thực sự cũng là việc cấp bách.
Đồng thời xem xét miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng để giúp các thương nhân vượt qua giai đoạn khó khăn chung này, tạo điều kiện cho thương nhân tiếp tục thực hiện các hợp đồng bao tiêu tiêu thụ gạo với nông dân.
Nếu không được xem xét hỗ trợ và cho phép tiếp tục xuất khẩu thì lẽ dĩ nhiên là các hợp đồng bao tiêu này sẽ bị phá sản do thương nhân không đảm bảo được nguồn tín dụng từ các ngân hàng, Hiệp hội lương thực cho biết.
Trước đó, sau khi tiếp nhận thông tin một loạt thương nhân xuất khẩu gạo bức xúc về việc không xuất khẩu được gạo do cơ quan hải quan mở mạng tiếp nhận tờ khai lúc nửa đêm mà không có bất kỳ thông báo nào, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết vì hệ thống điện tử nên doanh nghiệp thực hiện khai và nộp tờ khai điện tử 24/7, mọi lúc mọi nơi.
Về việc dư luận đặt nghi vấn có dấu hiệu trục lợi chính sách khi thực hiện xuất khẩu 400.000 tấn gạo, lãnh đạo hải quan cũng khẳng định không có chuyện này.
Nguyễn Mạnh