Kết quả thanh tra cuối cùng dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới, sau khi lấy ý kiến các đơn vị, bộ ngành liên quan, đặc biệt là UBND tỉnh Lạng Sơn.
Trung tâm thương mại chợ Đồng Đăng.
Chợ thị trấn Đồng Đăng hiện nay được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20 với diện tích gần 2.500m2 gồm chức năng trao đổi hàng hoá tiêu dùng, lương thực, thực phẩm và cứ 5 ngày có một phiên chợ để bà con các tỉnh lân cận đến trao đổi mua bán hàng hoá.
Tháng 6/1989, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành quyết định số 197 phê duyệt đầu tư xây dựng chợ Đồng Đăng huyện Cao Lộc. Theo đó, địa điểm xây dựng lại mặt bằng chợ cũ có mở rộng diện tích 0,8ha với tổng vốn đầu tư 605,55 triệu đồng bằng vốn Nhà nước.
Sau năm 1991 thị trấn Đồng Đăng trở thành một trong những tâm điểm giao lưu trao đổi hàng hoá sầm uất nhất trên địa bàn tỉnh, chợ Đồng Đăng không còn là nơi phục vụ nhu cầu đời sống cư dân thị trấn mà trở thành chợ đầu mối trung chuyển hàng hoá giữa hai nước Việt – Trung.
Hai năm 2014-2015, ngân sách khó khăn nên UBND huyện Cao Lộc đã huy động sự đóng góp của bà con tiểu thương để cải tạo khu chợ và làm đường với tổng số tiền hơn 2.056,987 triệu đồng.
Dự án Trung tâm Thương mại Đồng Đăng được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 1999 từ nguồn ngân sách Nhà nước với tổng vốn đầu tư 15,38 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 1999 đến năm 2003 thì dừng do thiếu vốn. Năm 2004, tỉnh đồng ý chủ trương cho thành lập Trung tâm Thương mại Đồng Đăng với nguồn vốn xã hội hoá vào giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội làm chu đầu tư. Dự án được điều chỉnh lại 4 lần và hoàn tất xây dựng xong giai đoạn 1 để đi vào hoạt động từ tháng 10/2016 và từ đây phát sinh nhiều khiến kiện khiếu nại kéo dài.
Nội dung khiếu nại của các hộ tiểu thương tập trung vào hai nội dung chủ yếu. Cụ thể, đối với các hộ tiểu thương của chợ Đồng Đăng cũ, họ mong muốn giữ lại chợ truyền thống; đề nghị cho song song tồn tại hai chợ; Quá trình xây dựng trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ thiếu công khai dân chủ; Lo lắng Chính quyền sẽ thu hồi diện tích đất của các hộ xung quanh chợ, sau thời gian chia lô bán nền…
Đối với các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại Đồng Đăng thì cho biết việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, bà con sẵn sàng chấp hành chủ trương; Trung tâm thương mại cần quảng bá hình ảnh để phát triển, hỗ trợ các gói kích cầu để bà con tiểu thương làm ăn tốt hơn; Xung quanh trung tâm cần xây dựng các nhà ở, phát triển dân cư, xử lý giao thông khu vực cầu vượt để thuận lợi liên kết các khu dân cư với Trung tâm thương mại…
Kết quả kiểm tra sơ bộ mới đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy chủ trương của tỉnh Lạng Sơn về việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Đồng Đăng cũ sang hạng mục khuôn viên cây xanh là đúng đắn và có sự đồng thuận cao ở các cấp các ngành. Tuy nhiên quá trình thực hiện chưa hoàn toàn tuân thủ các quy định, dẫn đến chưa tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, nhất là việc di dời chợ cũ về Trung tâm thương mại và xây dựng khuôn viên cây xanh để phát triển kinh tế, xã hội…
Trên thực tế, bức xúc của các tiểu thương chợ Đồng Đăng với Chính quyền Lạng Sơn trên thực tế đã kéo dài từ rất nhiều tháng mà chưa được giải quyết dứt điểm. Dù rằng, các tiểu thương cho biết họ đã gửi đơn thư khiếu nại nhiều lần.
Theo phản ánh của bà con tiểu thương, chợ truyền thống Đồng Đăng (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) hiện có 244 hộ kinh doanh cố định, hơn 300 hộ kinh doanh không có hợp đồng. Đây là khu chợ có lịch sử lâu đời qua các thời kỳ kháng chiến, phục vụ cho nhu cầu dân sinh trong khu vực và một phần khách du lịch đến tham quan Đền Mẫu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có kế hoạch phá bỏ chợ cũ để chuyển sang kinh doanh tại khu trung tâm thương mại mới được hoàn thành, mà không lấy ý kiến hay thông báo về kế hoạch di dời trước đó cho bà con tiểu thương.
Vì lẽ đó, từ tháng 6/2017 hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ này đã đóng quầy, ngừng buôn bán để đình công, phản đối cách làm của chính quyền địa phương.
H. Anh